Cục QLTT Thanh Hoá: Tăng cường kiểm tra hàng hoá, xử lý vi phạm tại các điểm du lịch
Địa chỉ cung cấp đồng hồ nữ uy tín trên thị trường / Đức Hạnh BMG: Tiên phong dẫn lối, tiến bước thành công
Trong thời gian qua Cục QLTT Thanh Hoá luôn bám sát và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt vào mùa du lịch tại Thanh Hoá diễn ra nhiều hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn lượt du khách khắp nơi đổ về với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng.
Từ các khu du lịch biển đến các khu du lịch sinh thái cộng đồng ở phía Tây Thanh Hóa, cùng nhiều điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh đều tưng bừng mở cửa đón chào du khách, nhiều địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức các Lễ hội khai trương Du lịch năm 2023 với quy mô hoành tráng và hấp dẫn, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch và thu hút du khách thập phương về với Xứ Thanh.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 ngày nghỉ lễ từ 29/4 đến 3/5, toàn tỉnh ước đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ này năm 2022; tổng thu du lịch đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Với lượng khách này, Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có lượng khách đông nhất cả nước.
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, người dân đến tham quan, mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống khá đông, kéo theo sức mua tăng cao; song giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào. Các mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp này là rau củ, quả, thực phẩm, hàng đồ khô, hàng hải sản, đồ uống và một số hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm các mặt hàng quà biếu, quà tặng của du khách khi về Thanh Hóa cũng tăng lên. Do đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của Thanh Hóa như hàng hải sản, nước mắm, nem chua… cũng đã có mức tiêu thụ tăng cao. Nhiều đơn vị kinh doanh cho biết, lượng hàng hóa tiêu thụ những ngày lễ đã tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, do có sự chủ động dự trữ từ trước, nên nguồn cung hàng hóa khá phong phú, đa dạng, giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Trước nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp nghỉ lễ, các đơn vị kinh doanh bán lẻ đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn….Các ngành chức năng, Ban quản lý các chợ, cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động buôn bán vận chuyển hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra trong đó, tập trung các mặt hàng như: bánh kẹo, thuốc tân dược...
Chỉ trong 5 tháng đầu năm,Cục QLTT Thanh Hoá đã kiểm tra 589 vụ, xử lý 523 vụ với tổng số hành vi vi phạm là 544 vụ. Trong đó xử lý hàng cấm, hàng nhập lậu là 20 vụ; xử lý về hàng giả và quyền Sở hữu trí tuệ là 52 vụ; xử lý về lĩnh vực giá là 117 vụ, lĩnh vực vi phạm an toàn thực phẩm là 203 vụ, các vi phạm khác là 152 vụ. Với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính bị xử lý là 1,586,1 triệu đồng, trị giá hàng tiêu huỷ, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 229 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu huỷ là 410 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục QLTT đã ban hành các công văn chỉ đạo về kiểm tra kiểm soát thị trường như: tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, niêm yết giá của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch, tăng cường kiểm tra việc kinh doanh của doanh nghiệp và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng – quyền Cục Trưởng Cục QLTT Thanh Hoá cho biết: “ Từ sau tết nguyên đán Cục đã có kế hoạch về việc đảm bảo hàng hoá và kiên quyết xử lý các vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại tại các lễ hội lớn của tỉnh nhằm bình ổn thị trường, tránh tình trạng lợi dụng lễ hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh”.
Để có được những kết quả đó, Cục QLTT Thanh Hoá đã bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, BCĐ 389 Quốc Gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh Uỷ và UBND tỉnh, cục QLTT Thanh Hoá tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiêm vụ trọng tâm. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm tại các lễ hội lớn của tỉnh nhằm bình ổn thị trường. Các Đội QLTT đóng tại các địa bàn có các khu du lịch, danh lam thắng cảnh..., căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn; chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại tại khu du lịch, danh lam thắng cảnh...
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP; không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc nâng giá hoặc không công khai giá, ép giá, ép khách tại các khu vực du lịch hè biển để bảo vệ quyền lợi khách du lịch, cải thiện môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo