Tiếp thị số

OTT: Mảnh đất màu mỡ hay chiến trường khốc liệt?

DNVN - OTT được xác định là xu hướng tất yếu của truyền hình thế giới. Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thiết bị thông minh xuất hiện ngày càng nhiều, các nội dung nghe - nhìn truyền tải trên nền tảng internet ngày càng nhiều đã làm cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam có những biến đổi đáng kể.

Vì sao iPhone vẫn chưa tham gia cuộc chơi điện thoại gập cùng Samsung? / Chuyện lạ có thật: Hoa anh đào nở giữa mùa thu Nhật Bản

OTT - Mảnh đất màu mỡ

Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu Milieu Insights có trụ sở tại Singapore: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hơn 400 triệu người đang sử dụng dịch vụ OTT, 69% xem video trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần. 3 thị trường có tỉ lệ người xem OTT hàng đầu khu vực là Singapore (91%), Australia (81%) và Indonesia (76%). Ở Indonesia, tỷ lệ xem OTT đang tăng đột biến, 79% người xem trong độ tuổi 18-34. Người dùng ở các quốc gia như Philippines, Indonesia và Australia dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để xem các nội dung trên nền tảng. Cũng theo khảo sát của Milieu Insights, có khoảng 20% người dùng Việt Nam xem các nội dung trực tuyến OTT qua các thiết bị thông minh.

Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam có khoảng 16,8 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (trong đó: truyền hình cáp chiếm khoảng 84%, truyền hình số mặt đất 0,9%, truyền hình số vệ tinh 9,4%, truyền hình di động 2,8%, truyền hình trên Internet 2,9%). Tổng doanh thu từ thuê bao truyền hình trả tiền bình quân hàng năm đạt gần 8.000 tỷ đồng/năm. Việt Nam có 40 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Số kênh truyền hình trong nước là 196 (trong đó 83 kênh truyền hình cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền); Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập là 70 kênh.

OTT là xu hướng truyền hình trong thời đại mới.

OTT là xu hướng truyền hình trong thời đại mới.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu đối với dịch vụ OTT TV tăng trưởng xấp xỉ 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với sự tiện lợi về phương thức xem (mọi lúc, mọi nơi, tua đi hoặc xem lại…) thì nguồn nội dung phong phú, đa dạng với kho tài nguyên khổng lồ từ internet đã khiến cho người dùng dần dịch chuyển từ thói quen xem truyền hình trả tiền truyền thống sang truyền hình trên Internet (IPTV, OTT). Và đặc biệt hơn nữa, với tỷ lệ thuê bao chỉ chiếm 2,9% thị phần mà mức tăng trưởng lên đến 300% thì rõ ràng OTT thực sự đang là mảnh đất rất màu mỡ.

Nhìn rõ được xu hướng này, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam đã tập trung đầu tư rất lớn cho dịch vụ OTT. Bên cạnh đó, sự góp mặt của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng làm thị trường thêm sôi động và tăng mức độ cạnh tranh.

OTT - Chiến trường khốc liệt

 

Dịch vụ OTT mang lại nhiều tính năng giải trí phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Dịch vụ OTT mang lại nhiều tính năng giải trí phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, truyền hình OTT ở Việt Nam đang có 4 nhóm tham gia:

Nhóm thứ nhất là các nhà đài như SCTV, K+, VTV chuyển sang hướng làm OTT, lấy internet làm nền tảng truyền dẫn (trước sử dụng các nền tảng cáp, vệ tinh).

 

Nhóm thứ hai là nhà mạng như Viettel, VTC, MobiFone, lấy nội dung của nhà đài hoặc tự sản xuất nội dung để làm truyền hình.

Nhóm thứ ba là các đơn vị sản xuất nội dung thuần túy như Cát Tiên Sa, BHD... có thế mạnh sản xuất các chương trình giải trí, muốn xây dựng ứng dụng riêng.

Nhóm thứ tư là những đơn vị làm dịch vụ nền tảng (platform) như FPT Play, ZingTV, Clip, VNPT Media...

Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật, thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam như: Youtube, Netflix, AppleTV, Iflix, WeTV, IQIYI,…

Nhìn vào “bản đồ” trên chúng ta có thể thấy được thị trường OTT Việt Nam đang rất sôi động và chính vì vậy, mức độ cạnh tranh càng trở nên khốc liệt.

 

Đối với nhóm cung cấp dịch vụ OTT trong nước, ngoài việc có giấy phép hoạt động theo pháp luật thì nhóm này còn có lợi thế về những nội dung như: truyền hình, thể thao, đặc biệt là các chương trình trực tiếp. Tuy nhiên, chính vì được cấp giấy phép cho nên các đơn vị này phải tuân thủ pháp luật cũng như nhiều quy định, nghĩa vụ liên quan đến cấp phép hoạt động; chỉnh sửa, dịch và kiểm duyệt nội dung phát hành; tỉ lệ giữa các kênh trong nước và các kênh nước ngoài... cũng như thuế và phí cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền đòi hỏi đầu tư rất lớn. Đây là thách thức lớn nhất đối với hầu hết các đơn vị cung cấp OTT trong nước, bởi chi phí đầu tư nội dung thường rất cao trong khi người dùng Việt Nam thì vẫn chưa có thói quen trả tiền cho việc xem trên internet.

Thế nhưng, nhóm doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam thì sao?

Dịch vụ của nhóm này có đặc điểm chung là không có kênh chương trình, chỉ có nội dung theo yêu cầu (VOD), chủ yếu là các thể loại phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyền hình, các chương trình chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình (gameshows…). Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là những nội dung nhóm này cung cấp cho người dùng không bị kiểm duyệt, không theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo và không phải đóng thuế.

Vậy mức tăng trưởng 300% của thị trường này nằm ở đâu? Thống kê cho thấy, gần 80% thị phần dịch vụ OTT TV tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước chỉ đạt doanh thu 190 tỷ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, thống kê từ cuối năm 2020 đã cho thấy doanh thu của các OTT TV xuyên biên giới tại Việt Nam lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù có được một số lợi thế nhưng các đơn vị cung cấp OTT trong nước đang bị “lép vế” ngay trên “sân nhà”.

 

Cần một “sân chơi” công bằng

Đứng trước thực trạng này, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ liên quan kiến nghị về hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông OTT trực tuyến xuyên biên giới và cho rằng phải nhanh chóng áp dụng luật pháp vào việc quản lý và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.

Các đơn vị cung cấp OTT cần một hành lang pháp lý để có sân chơi bình đẳng, cung cấp cho khán giả dịch vụ và nội dung tốt nhất.

Các đơn vị cung cấp OTT cần một hành lang pháp lý để có sân chơi bình đẳng, cung cấp cho khán giả dịch vụ và nội dung tốt nhất.

Theo VNPayTV, doanh nghiệp trong nước cung cấp các dịch vụ OTT TV đang gặp nhiều bất công khi cạnh tranh với các doanh nghiệp xuyên biên giới ngay trên chính “sân nhà”. Trong khi các đơn vị trong nước muốn đưa chương trình truyền hình, phim đến công chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo thì nhóm doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam lại không phải thực hiện những điều này. Chưa kể đến những nội dung mà dịch vụ OTT xuyên biên giới cung cấp còn có nguy cơ tiềm ẩn về lối sống, văn hóa và cả các nguy cơ về an ninh quốc gia.

 

Từ thực tế đó, VNPay đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan hữu quan như: Phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung; Quy định việc kê khai doanh thu (phí dịch vụ và doanh thu quảng cáo kê theo) phát sinh tại Việt Nam; Đưa các dịch vụ cung cấp nội dung xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt …

Ông Trần Văn Úy - Tổng giám đốc Truyền hình cáp SCTV, Chủ tịch VNPayTV chia sẻ: “Khi chúng tôi đưa nội dung lên truyền hình truyền thống hay OTT, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy cũng bị kiểm duyệt thì không lý do gì hàng nghìn, hàng vạn bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam lại không phải kiểm duyệt, không phải nộp thuế, trong khi nội dung đầy sự nhạy cảm về văn hóa, thuần phong mỹ tục. Quốc gia nào cũng có biên giới, nhà mình cũng có giậu có rào. Không thể chúng tôi làm đường sẵn, anh vào đây bán hàng, thu tiền rồi nói không chịu kiểm duyệt, không đóng thuế, như thế là không được, không công bằng. Do vậy, để công bằng, khách quan và bình đẳng, nội dung trên truyền hình OTT cũng phải kiểm duyệt tương tự. "

Có thể nói, thị trường OTT TV đang đứng trước một số thách thức không nhỏ về áp lực cạnh tranh không bình đẳng của OTT nội và OTT xuyên biên giới. Muốn có một thị trường ổn định, cạnh tranh bình đẳng và phát triển lành mạnh, cần phải có những quy định mới sát thực tiễn để quản lý các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam. Có như vậy, thị trường OTT mới thực sự là một “sân chơi” công bằng.

Ngày 1/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị định 71 là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới tới người dùng tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động. Quy trình cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ trải qua các bước cũng như phải đáp ứng các điều kiện tương tự với doanh nghiệp trong nước.

 

Sự ra đời của Nghị định số 71 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý.

Lương Quốc Huy
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo