Chứng khoán

Maybank Kim Eng: Vốn ngoại vào Việt Nam sẽ không giảm

Không đánh giá mọi chuyển biến của kinh tế Việt Nam đã tốt hơn hẳn, nhưng ông Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, tập đoàn Maybank Kim Eng, cho rằng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang quan tâm nhiều đến các cách thức mà chính phủ Việt Nam đang làm để giúp kinh tế Việt Nam phục hồi; đồng thời, sự dịch chuyển dòng tiền từ một số nước mới nổi đang là cơ hội cho chứng khoán Việt Nam năm 2014.

Ông Seng Yeow trong hội thảo ngày 8-3. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Seng Yeow nêu các quan điểm trên tại hội thảo “Dòng vốn ngoại và thị trường chứng khoán Việt Nam 2014" do công ty chứng khoán Maybank-Kim Eng Việt Nam tổ chức ngày 8-3.

Theo ông Seng Yeow, khi Mỹ tiến hành rút gói nới lỏng định lượng, dòng vốn rút ra khỏi các nước mới nổi khiến đa phần các đồng tiền trong khu vực đều mất giá.  So với đô la Mỹ nhiều đồng tiền khác trong khu vực đã yếu đi nhiều, cụ thể như đồng tiền của Indonesia đã mất giá đến 16%, đồng baht của Thái Lan giảm 12% so với đồng đô la Mỹ, và đồng đô la Singapore cũng mất giá khoảng 4%. Trong khi đó, tiền đồng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, chỉ mất giá khoảng 2% so với đô la Mỹ trong năm 2013.

Đồng thời, nếu trong tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái, dòng vốn nước ngoài rút ròng khỏi thị trường Việt Nam, và ngay sau đó đã ngưng lại, chuyển sang trạng thái tiếp tục mua ròng, thì ở các nước xung quanh,  sự rút vốn này vẫn đang tiếp diễn. Và đến hai tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) đã không rút khỏi Việt Nam, mà thậm chí vốn hóa của các quỹ này còn tăng mạnh.

Ông Seng Yeow cho rằng hiện tại, lạm phát  Việt Nam được kiềm chế. Chính sách lãi suất nhờ vậy giảm xuống, tỷ giá cũng ổn định, dự báo chỉ tăng khoảng 2-3% trong năm nay. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối đã lên đến 4 tháng nhập khẩu , xuất khẩu cũng dự báo sẽ tăng, giúp nền kinh tế tăng trưởng và cải thiện cán cân thương mại.

Ngoài ra, theo ông Seng Yeow, tăng trưởng tín dụng không còn quá nóng, các biện giáp giảm thuế cho doanh nghiệp, và các chính sách khác đang giúp cho kinh tế Việt Nam ổn định, nhà đầu tư nước ngoài đang có niềm tin vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Vì vậy  hoạt động giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ ETF cũng tăng trong thời gian qua.

Về nợ xấu, nhà đầu tư nước ngoài đã thấy Việt Nam  bắt tay vào xử lý nợ xấu, không còn “nói rồi để đó” như trước đây, ông Seng Yeow cho rằng đó là dấu hiệu tốt.

“Khi trao đổi với khách hàng tổ chức, tôi thấy đa phần các nhà đầu tư đều kỳ vọng GDP quay lại mức trên 7%, nhưng đó là những kỳ vọng dài hạn, còn thực tế Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian và những nỗ lực thực tế cho việc này, tuy vậy họ cũng cho rằng việc đầu tư vào Việt Nam nên được xem xét sớm”, ông Seng Yeow nói thêm.

Trong khi đó, dòng vốn có dấu hiệu rút ra khỏi các thị trường mới nổi, chuyển về các thị trường phát triển đã bắt đầu từ tháng 5-6 năm ngoái, dựa theo chu kỳ khoảng 40-50 tuần như trước đến nay, thì dòng vốn sẽ sớm quay lại thị trường mới nổi.

Có rất nhiều các điểm lạc quan đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 theo những phân tích như trên, nhưng ông Seng Yeow cũng cho rằng chính phủ vẫn nên rốt ráo với các vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải tổ hệ thống ngân hàng, đồng thời xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng là một trong các vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Ông này cho rằng nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam sẽ xử lý được trên 100.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay.

Theo ông Seng Yeow, việc cho áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR đã làm tăng thanh khoản thị trường Thái Lan, ông cũng cho rằng Việt Nam có thể áp dụng sản phẩm này để kéo thêm dòng vốn nước ngoài.

Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng được nhà đầu tư nước ngoài trông mong, vì sẽ giúp tăng thêm hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nhà đầu tư nước ngoài có thêm nhiều lựa chọn.

Cơ hội giải ngân của dòng vốn ngoại trong thời gian này ở khu vực châu Á rất ít như Thái Lan có khủng hoảng về chính trị, Indonesia sẽ bầu cử lại trong tháng 4,5, thị trường Philippines đang bị định giá quá cao, Singapore ít cổ phiếu tăng trưởng mà giá rẻ, thì cơ hội của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, nếu vấn đề ở các nước khác được giải quyết thì dòng vốn ngoại vẫn có khả năng quay lại các thị trường đó.

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo