Tin tức - Sự kiện

Metro Sài Gòn cần gấp 1.000 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu

Do Trung ương chưa bố trí vốn, đây có thể là lần thứ tư TP.HCM phải tạm ứng ngân sách cho tuyến metro số 1.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tạm ứng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Động thái này được chủ đầu tư dự án đưa ra do Bộ Kế hoạch - Đầu tư hồi cuối năm 2017 ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, song dự án metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lý do, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, là Quốc hội chưa có ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định và chưa xác định giá trị vay lại nguồn vốn ODA. Điều này khiến Bộ chưa có cơ sở xác định phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư.
Trước đó, cũng vì trung ương không bố trí vốn, hoặc bố trí vốn không đủ, trong năm 2016 TP.HCM phải ứng 600 tỷ đồng để chủ đầu tư trả nợ nhà thầu; năm 2017 lần lượt là 500 tỷ và gần 1.200 tỷ đồng.

Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hiện, công trình đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc, song luôn trong tình trạng "đói" vốn.

Dự án trọng điểm dù khởi động hơn 10 năm trước nhưng hiện vẫn còn "lình xình" về tổng mức đầu tư. Được thành phố phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật). Thời điểm này dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được thành phố chỉ ra là: tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga…); vật liệu tăng giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; trượt giá giữa Yên Nhật - VNĐ và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.

Việt Nam lúc này cũng chưa có kinh nghiệm thẩm tra lựa chọn Tư vấn thẩm tra nên thành phố đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để làm. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nên thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.

 

Hiện, UBND TP.HCM đã gửi văn bản cho Bộ Giao thông về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro để thẩm định. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông và dự thảo báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30/3.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo