Mồ côi bố, mẹ bị ung thư, nữ sinh Thanh Hóa vẫn giành 27,05 điểm khối A
Em Đặng Thị Thương - học sinh lớp 12T1, Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) là một trong số ít những thí sinh của tỉnh Thanh Hóa giành được từ 27 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Cụ thể, tổng điểm khối A của Thương là 27,05 điểm, trong đó môn Toán 8,8 điểm; Lý 9 điểm và Hóa 9,25 điểm.
Ấn tượng khi tiếp xúc ban đầu đó là một nữ sinh có gương mặt xinh xắn, tự tin và luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện với chúng tôi. Nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài đó ít ai biết rằng, Thương đã phải trải qua nhiều biến cố, gian nan.
Năm Thương lên 8 tuổi, bố em đã không may qua đời do căn bệnh hiểm nghèo. Bố ra đi, để lại mẹ và 3 chị em Thương côi cút. Năm em học lớp 6, nỗi đau lại một lần nữa ập đến với gia đình Thương khi mẹ em được phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú.
Mặc dù mang bệnh hiểm nghèo, nhưng người mẹ vẫn gắng gượng làm ruộng, lo cho 3 chị em Thương ăn học. Hiện chị đầu đã lập gia đình ra ở riêng, còn chị gái thứ hai cũng mới tốt nghiệp ra đi làm.
Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, hàng tháng, mẹ Thương còn phải ra Hà Nội để kiểm tra sức khỏe định kỳ một lần. Thương mẹ, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên món quà lớn nhất mà em muốn dành cho mẹ đó là những thành tích trong học tập.
Suốt những năm học phổ thông, Thương luôn là học sinh khá giỏi. “Sau khi bố mất, mẹ bị ung thư, em nghĩ mình phải cố gắng học tập vì mỗi lần em thi được điểm cao, mẹ vui lắm. Sau những buổi học về, em vẫn làm việc nhà và tranh thủ ra đồng cùng mẹ”, Thương tâm sự.
Dù mẹ ốm đau, nhưng là chỗ dựa tinh thần cho chị em Thương vươn lên trong cuộc sống và học tập. Trên hành trình vượt lên gian khó, các thầy cô giáo cũng là những người luôn đồng hành, động viên em.
“Cũng may, khi vào trường, em được các thầy cô giáo hết sức quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng tháng, em được nhận học bổng và chị gái vừa đi học vừa đi làm thêm nên cũng đỡ đần cho mẹ được phần nào”. Thương không quên những tình cảm mà các thầy cô giáo đã dành cho mình.
Nhà nghèo, không có điều kiện để mua sắm điện thoại, máy tính, tranh thủ những lúc anh rể nghỉ làm, Thương mượn máy tính để lên mạng tìm tài liệu, các đề thi để ôn luyện thêm.
Trong kỳ thi vừa qua, mặc dù điểm số đạt được là niềm mơ ước của nhiều thí sinh khác, nhưng khi được hỏi, Thương không ngần ngại: “Khi biết điểm thi, em hơi buồn vì điểm của mình vẫn chưa cao”.
Hiện em đang phân vân giữa hai lựa chọn vào Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trường Đại học Dược. Dự định của em sau khi vào đại học sẽ vừa học vừa đi làm thêm để có thu nhập trang trải thêm cho việc học hành.
Ngồi bên cạnh cô con gái, chị Đàm Thị Xuân (51 tuổi) luôn nở nụ cười hạnh phúc. Những thành tích mà con đã đạt được như là “liều thuốc” giúp chị quên hết những mệt nhọc hay căn bệnh mình đang mang trong người.
Sau khi chồng mất, chị Xuân gần như suy sụp. Suốt một thời gian dài phải đi điều trị ở bệnh viện K, người mẹ nghèo chỉ lo cho các con nhỏ ở nhà không ai chăm sóc. “Trải qua bao sóng gió, nhưng may mắn gặp được những người thương cảm, giúp đỡ các cháu có được như ngày hôm nay”, chị Xuân chia sẻ.
“Người ta khỏe mạnh còn đi làm thêm có tiền, mình vốn bị bệnh không làm được nhiều, chỉ biết động viên các cháu là mẹ sẽ đồng hành cùng các con. Mẹ con vẫn hay nói vui với nhau, người ta kiếm tiền bằng con đường lao động thì các con kiếm tiền bằng con đường học”.
Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chị Xuân vẫn luôn lạc quan, vui cười. Người mẹ nghèo luôn hi vọng đó chính là liều thuốc tinh thần giúp các con vượt qua khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam