Mở cửa thị trường bán lẻ:“Hổ” lớn rình rập
Trong khi đó, doanh nghiệp nội dù chịu sức ép, nhưng cũng không dễ để mất những thành quả mà họ đã xây dựng được.
Dồn dập bành trướng
Sau năm lần, bảy lượt đến Việt Nam, nhà bán lẻ sừng sỏ Walmart (Mỹ) vẫn phủ nhận kế hoạch mở siêu thị đầu tiên tại đây, nhưng lại có những động thái thể hiện rõ hơn ý đồ thông qua việc thúc đẩy mua hàng hóa để đưa vào hệ thống siêu thị của mình trên toàn thế giới.
Từ cuối năm 2013, Walmart đã mở một văn phòng tìm nguồn mua tại TP.HCM. Với khoảng 20 nhân viên, nhưng họ đã thiết lập quan hệ khá tốt với nhiều nhà cung cấp Việt Nam.
Ông Ignacio Lopez, Phó chủ tịch phụ trách việc tìm nguồn cung toàn cầu của Walmart cho hay, việc có một văn phòng tại thị trường này, sẽ giúp Walmart có thêm cơ hội xác định và lựa chọn các nhà cung cấp nhờ theo dõi quá trình sản xuất, đảm bảo sự tuân thủ, an toàn và chất lượng của nhà sản xuất.
“Chúng tôi đang nhìn vào thuận lợi này để phát triển, tăng lượng mua phục vụ xuất khẩu sang các thị trường bán lẻ của chúng tôi trên toàn thế giới”, ông Ignacio Lopez nói.
Đáng chú ý, Việt Nam, Mỹ và các nước khác đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Walmart là người ủng hộ mạnh mẽ đàm phán TPP, vì nó sẽ giúp việc tiếp cận thị trường hàng hóa Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng ở nhiều thị trường bán lẻ quan trọng của Walmart như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản, Chile.
Walmart đang xây dựng một chiến lược hợp tác với các nhà cung cấp là nông dân, tổ chức kinh tế để đẩy nhanh và thuận lợi việc mua hàng ở Việt Nam nhờ TPP. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng về quần áo, đồ gỗ. Walmart đang nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn các nhà cung cấp cho hàng may mặc, giày dép và đặc biệt là thực phẩm như cá tra, tôm, hạt điều rang, cà phê cho các cửa hàng quốc tế.
Trong khi đó, những thương hiệu cũ và mới như Big C (Pháp), Metro (Đức), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan) vẫn mải miết đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam như kiểu “bung tiền nuốt chửng”.
Không chỉ những thương hiệu phân phối, bán lẻ theo hình thức đại siêu thị, mà còn những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi cũng dồn dập bành trướng ở Việt Nam.
Cushman & Wakefield, đơn vị chuyên cho thuê và tư vấn bán lẻ đa quốc gia đến từ Mỹ vừa hoàn tất hợp đồng tìm mặt bằng bán lẻ cho hai thương hiệu thời trang hạng sang của Italy chưa có mặt tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tìm kiếm mặt bằng đầu tiên cho thương hiệu Starbucks và vẫn đang là cánh tay nối dài cho chuỗi cửa hàng cà phê này tại đây.
Theo đơn vị này, sau thực phẩm và đồ uống (F&B), những thương hiệu bán lẻ thiên về thương mại sẽ có mặt ở Việt Nam. Do đó, Cushman & Wakefield đang làm việc với các khách hàng trong các lĩnh vực thời trang, phụ kiện từ trung bình đến cao cấp.
Bà Lê Kim Hoa, Giám đốc Bộ phận Cho thuê & Tư vấn bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, hiện đội ngũ dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield vẫn nhận được khá nhiều đơn hàng tìm mặt bằng tại Việt Nam (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2013), bao gồm cả việc yêu cầu cung cấp các báo cáo về thị trường, các tiền đề về thị trường bất động sản, để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về thị trường.
Lo bị thâu tóm
Nhìn bản đồ thị trường bán lẻ, những tên tuổi ngoại xuất hiện đều là những thương hiệu lâu năm, họ đều hiểu văn hóa kinh doanh, thói quen tiêu dùng và có hậu cần vững chắc tại Việt Nam. Điều này dấy lên lo ngại rằng, sau năm 2015, khi Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn ngoại theo cam kết WTO, thì thị trường sẽ bị thâu tóm.
Tuy nhiên, Cushman & Wakefield nhận định, hầu hết nhà bán lẻ khi có mặt tại Việt Nam, họ đều đã có mặt tại các nước trong khu vực. Đầu tư của họ được xem là cách đa dạng hóa thị trường, kênh phân phối, chứ không phải là thị trường quyết định. Thế nhưng, họ cũng gặp thách thức về mặt bằng và đặc trưng vùng miền, nhất là những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi.
Điển hình như Starbucks. Tính đến thời điểm này, Starbucks đã sở hữu 5 cửa hàng tại TP.HCM, trong khi ở Hà Nội vẫn chưa có điểm nào. Lý do mà Cushman & Wakefield đưa ra là, ở TP.HCM, có những điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn, trong khi ở Hà Nội, các mặt bằng, dự án phù hợp với yêu cầu của Starbucks rất hạn chế, vì thế các cửa hàng mặt phố trở thành sự lựa chọn của họ. Tuy nhiên, khi làm việc với các nhà ở phố, các vấn đề liên quan đến sửa chữa mặt bằng thuê hay làm việc với chủ nhà sẽ khó khăn hơn, do chủ của tài sản này là tư nhân.
Hơn nữa, so với thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, thì Việt Nam không thuộc top thị trường ưu tiên của các thương hiệu bán lẻ quốc tế.
Điều quan trọng hơn là, việc vào một thị trường nào đó được các nhà bán lẻ tính toán rất thận trọng. “Một thị trường tiềm năng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như dân số, thu nhập bình quân đầu người, điều kiện chính sách của Nhà nước…, Việt Nam nên cân nhắc các chính sách mở cửa để các nhà bán lẻ nước ngoài tiếp cận thị trường được thuận lợi hơn”, bà Hoa cho hay.
Cách đánh trong cuộc chiến dài hơi
Dù không thuộc top những thị trường ưu tiên của các đại gia, song sức ép về mở cửa 100% thị trường theo cam kết WTO lại đang đè nặng vai doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải xem lại mô hình kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là sở hữu các mặt bằng thuận lợi, cửa hàng đẹp, thời gian hoạt động trên thị trường lâu dài hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn.
Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm và chưa chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ khách hàng, hoặc thường là không có chiến lược phát triển kinh doanh dài hơi.
Bằng chứng, hàng loạt tên tuổi bị biến mất khỏi cuộc chơi, hoặc phải thu hẹp địa bàn hoạt động, hoặc một phần thuộc về doanh nghiệp ngoại, như Fimilymart, Fivimart, HaproMart, Maximart… Với những tồn tại đó, nếu muốn làm “chú lính” tốt trong một cuộc chiến dài hơi, có lẽ sẽ chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ nội thay đổi chiến lược kinh doanh thích hợp.
Trong đó, phương án mua bán, sáp nhập (M&A) cũng được tính đến, nhưng để mang lại lợi ích cho cả hai phía, đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Do đó, bà Hoa cho rằng, phương án JV (liên doanh) sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, vì doanh nghiệp nội không dễ dàng để mất những thành quả của họ đã xây dựng được trên thị trường của mình.
Điển hình là Co.opmart - một tên tuổi dẫn đầu ngành bán lẻ Việt Nam, đã nhanh chân tận dụng cơ hội khi kết hợp với NTUC Fairprice, một đơn vị hợp tác xã tại Singapore, nhà bán lẻ hàng hàng đầu, chiếm hơn 60% thị phần tại đảo quốc sư tử với 250 điểm bán ở nhiều mô hình kinh doanh) để cho ra đời thương hiệu Co.opXtra Plus. Hay như ở Ấn Độ, Walmart liên doanh với một doanh nghiệp trong nước là Bharti.
Một khi chất lượng các thương hiệu nội địa không có sự chênh lệch so với thương hiệu ngoại, thì việc liên doanh sẽ rất tốt. Mô hình này đang rất khả thi tại Philippines, Malaysia. Tại Philippines, chỉ có một trung tâm thương mại cao cấp duy nhất là Green Belt Number 4, còn lại các trung tâm thương mại khác hầu như là trung bình đến trung bình khá, trong đó mô hình thường bao gồm các khách thuê chủ chốt là khu bán lẻ tổng hợp - department store và siêu thị (ví dụ, SM Store có tỷ lệ thương hiệu nội địa chiếm 40-50%). Đó là nhu cầu và chiến lược về phân bổ khách thuê và nhãn hàng phục vụ đại đa số người dân. Các dự án chuẩn bị vận hành có thể để mắt tìm kiếm các thương hiệu nội địa đang nổi trên thị trường, để bắt tay cùng chia sẻ thuận lợi và khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng