Mở rộng đối tượng doanh nghiệp ưu tiên
Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 63/2011/TT-BTC và Thông tư số 105/2011/TT-BTC quy định áp dụng thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện. Theo dự thảo Thông tư này, một số điều khoản áp dụng được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng, tham gia nhiều hơn trước.
Bổ sung khoản 2 Điều 3 về các trường hợp được ưu tiên, đó là “Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu hàng hoá là nông sản, thuỷ sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hoá là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nêu trên”.
Điều kiện về mức kim ngạch đối với doanh nghiệp ưu tiên cũng được giảm xuống để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia. Cụ thể: Thông tư số 63/2011/TT-BTC và Thông tư số 105/2011/TT-BTC quy định mức kim ngạch là 350 triệu USD/năm đối với doanh nghiệp ưu tiên loại 1 và 70 triệu USD/năm đối với doanh nghiệp ưu tiên loại 2. Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, dự kiến quy định kim ngạch đối với doanh nghiệp ưu tiên loại 1 tối thiểu đạt 200 triệu USD/năm; tương ứng với loại 2 là tối thiểu đạt 50 triệu USD/năm; không xét kim ngạch đối với doanh nghiệp ưu tiên loại 3 (doanh nghiệp công nghệ cao).
Bên cạnh đó, ngành Hải quan quy định chặt chẽ hơn các tiêu chí tuân thủ và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật. Nếu thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trước đây là 36 tháng thì dự kiến tới đây sẽ là 24 tháng trở về trước.
Cơ quan quản lý nhà nước khác đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng được rút gọn, chỉ còn 2 cơ quan tham gia là cơ quan hải quan và cơ quan thuế nội địa.
Về chế độ ưu tiên, dự thảo Thông tư bổ sung thêm một số ưu tiên trong giai đoạn thông quan cho phù hợp với thủ tục hải quan điện tử nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý nhà nước về hải quan. Ví dụ như, doanh nghiệp được sử dụng bộ chứng từ đơn giản để thông quan hàng hoá trong trường hợp hệ thống dữ liệu hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động; không phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, không phải nộp báo cáo thanh khoản mà định kỳ hàng quý doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan báo cáo xuất - nhập - tồn nguyên vật liệu nhập khẩu trên cơ sở định mức doanh nghiệp tự xây dựng.
Hiện nay, dự thảo đang được tiến hành lấy ý kiến lần 2 và tiếp tục chỉnh sửa trước khi trình Bộ Tài chính phê duyệt.
Công Duy
Theo Tổng Cục Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo