Mở rộng quyền lợi cho người dân
Từ ngày 1/1/2015 tới, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực với mục tiêu chính là tiếp tục đảm bảo tính chất xã hội của BHYT - đó là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự tham gia của người dân và định hướng tiến tới BHYT toàn dân. Ngoài ra, trong bộ luật sửa đổi lần này, quyền lợi BHYT của người dân sẽ được mở rộng.
Nhiều điểm mới, nhiều quyền lợi cho người dân
Lấy mục tiêu “đóng góp khi lành, để dành khi ốm” làm tiêu chí, BHYT đã và đang trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật, cần chi phí để khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến thời điểm này, cả nước có khoảng 61 triệu người đang tham gia BHYT, đạt 69% dân số. Trong số đó có khoảng 14,3 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số, gần 2 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có một số điểm quan trọng mang tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Theo đó, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.
Cụ thể, điểm quan trọng đầu tiên là việc quy định bắt buộc tham gia BHYT. Đây là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho mỗi thành viên, mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng. Điểm mới thứ hai là Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích nếu có 100% thành viên trong gia đình tham gia BHYT thì sẽ được giảm mức đóng. Đây là một quy định rất quan trọng, vì sẽ làm giảm tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, giảm tình trạng lựa chọn ngược, tức là chỉ có người ốm mới tham gia BHYT.
Điểm mới thứ ba là trong quá trình xây dựng Luật BHYT, ban soạn thảo đã rất quan tâm đến quyền lợi của người tham gia. Theo đó, đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ không phải đồng chi trả 5% khi KCB. Mức chi trả đó cũng sẽ giảm từ 20% xuống còn 5% đối với một số nhóm thân nhân, người có công và đối tượng người cận nghèo.
Theo Luật BHYT sửa đổi, quỹ BHYT cũng thanh toán 100% đối với chi phí KCB đối với người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên và trong năm đó họ có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lớn hơn 6 tháng lương cơ bản.
Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, quy trình trong KCB BHYT, Luật BHYT sửa đổi quy định mở thông tuyến KCB. Đây là yếu tố thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành y tế để tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ KCB.
Điểm thứ năm là Luật BHYT sửa đổi quy định cụ thể hơn về việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
“Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta chưa có sự đồng đều về tỷ lệ dân số tham gia BHYT và dịch vụ KCB giữa các vùng khác nhau thì trước mắt, đối với các tỉnh có tỷ lệ kết dư sẽ được sử dụng 20% phần kết dư đó để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và nâng cao cơ sở KCB. Đến 1/1/2021, khi tỷ lệ người tham gia BHYT đã tương đối đồng đều giữa các tuyến thì sẽ thực hiện quản lý quỹ tập trung, thống nhất trong cả nước” – bà Tống Thị Song Hương nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng khác nữa là Luật BHYT sửa đổi quy định trách nhiệm của UBND các cấp, trong đó UBND cấp xã lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng; cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đồng thời với việc cấp giấy khai sinh, để nhằm giảm tối đa tình trạng cấp trùng.
Quan tâm đến người dân vùng huyện đảo
Mặc dù là đối tượng còn nhiều khó khăn và được nhà nước rất quan tâm nhưng hiện nay, tỷ lệ người dân tại các huyện đảo tham gia BHYT mới chỉ đạt khoảng 60% dân số, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (69%). Nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân sinh sống tại khu vực này, Luật BHYT sửa đổi sẽ có hai điểm mới liên quan trực tiếp đến những người dân đang sinh sống ở vùng biển đảo.
Bà Tống Thị Song Hương chia sẻ, điểm mới thứ nhất là bổ sung những người đang sinh sống ở khu vực huyện đảo, xã đảo vào diện được ngân sách nhà nước cấp để mua thẻ BHYT. Điểm mới thứ hai, liên quan đến quyền lợi và mức hưởng, những đối tượng hiện nay đang sinh sống ở những vùng huyện đảo và xã đảo được mở thông tuyến từ xã, huyện, tỉnh lên tuyến trung ương nhưng chỉ trong những trường hợp nội trú. Điều này sẽ giúp mở ra điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh.
Cũng để tạo thuận lợi nhất cho người dân sử dụng BHYT, từ ngày 1/1/2016, tuyến khám chữa bệnh có BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh sẽ mở thông. Bên cạnh đó mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Từ ngày 1/1/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
“Có thể nói, so với Luật BHYT năm 2008, Luật BHYT sửa đổi có rất nhiều điểm mới mang tính đột phá, mở rộng quyền lợi cho người dân, đồng thời tạo cơ chế tài chính hết sức quan trọng để tiến đến mục tiêu BHYT toàn dân” - bà Tống Thị Song Hương khẳng định.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có một số điểm quan trọng mang tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Theo báo Công thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo