Xã hội

Mỗi năm trung bình phát hiện gần 100.000 cơ sở vi phạm ATTP

(DNVN) - Theo tài liệu báo cáo tại Hội nghị về an toàn thực phẩm diễn ra sáng 27/4 của Văn phòng Chính phủ, trong giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm thanh tra liên ngành ATTP đã tiến hành thanh, kiểm tra tại khoảng 470.000 cơ sở, phát hiện trên 99.350 cơ sở vi phạm (21,1%).

Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ của Bộ Y tế cũng cho biết, tính riêng trong năm 2015, 20.641 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, chiếm 22,6% (năm 2014 là 21,3%). Trong quý I/2016, kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8% (quý I/2015 là 20,4%).

Đối với nước uống đóng chai, năm 2014, kiểm tra 5.645 cơ sở (chiếm 38,0%), đã phát hiện 1.191 cơ sở vi phạm (21,1%); kiểm nghiệm mẫu nước uống đóng chai 87/1.062 (8,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật, 20/386 (5,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu lý, hóa.

Đối với sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, năm 2014, kiểm tra tại 990 cơ sở phát hiện 230 cơ sở vi phạm.

Ảnh minh họa.

Đối với bếp ăn tập thể, năm 2014, kiểm tra 119.024 cơ sở (chiếm 72,1% trên tổng số cơ sở có trên địa bàn toàn quốc), đã phát hiện 29.327 cơ sở vi phạm (24,6%); đã đình chỉ hoạt động 56 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 620 cơ sở với 562 loại sản phẩm; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý 13 trường hợp.

Đối với phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, năm 2014 kiểm tra 12.340 cơ sở, phát hiện 3.055 cơ sở vi phạm. Đối với thực phẩm chức năng, năm 2014, kiểm tra 4.514 cơ sở được phát hiện 1.974 cơ sở vi phạm (chiếm 43,7%).

Theo Văn phòng Chính phủ, nước ta có tới hàng triệu hộ nhỏ lẻ tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Qua báo cáo của các Bộ, cho thấy nguy cơ không bảo đảm ATTP xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhất là tại các hộ nông dân, trang trại nhỏ. Một số cơ sở, trang trại nuôi, lò mổ vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm nhưng qua kiểm tra phát hiện thấy tỷ lệ vi phạm thấp hơn so với thời gian trước.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. 

Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt; các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm; hiện nay, chỉ còn các trang trại sử dụng chất Salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. 

 

Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1/2016 là 9,8%; tháng 2/2016 là 1,46%; tháng 3/2016 là 0,66%). 

Qua đợt cao điểm ATTP (10/2015 – 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Cụ thể, dư lượng dư lượng thuốc BVTV trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu 2015 là 10,3%); thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%)...

Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỷ lệ cao hơn như thủy sản: vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%)...

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo