Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người chết do đột quỵ
Hiện cả nước có khoảng 440.000 trường hợp còn sống sau đột quỵ. Phần lớn có chất lượng sống kém, nhiều người nằm tại chỗ hoặc mang di chứng gây khó khăn trong sinh hoạt.
Lần đầu tiên Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội nghị can thiệp thần kinh Á - Úc vào tháng 3 tại Đà Nẵng. Đây được xem là cơ hội để các bác sĩ trong nước và quốc tế chia sẻ và nâng cao kiến thức trong việc tiếp nhận chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Hội nghị sẽ quy tụ khoảng 300 chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực nội - ngoại thần kinh, phương pháp mới trong điều trị đột quỵ, phương pháp điều trị các bệnh dị dạng mạch máu não, điều trị đau cột sống không cần phẫu thuật...
Phát biểu trước thềm hội nghị, giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, con số tử vong cũng tương đương. Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng 440.000 trường hợp còn sống sau đột quỵ.
"Phần lớn người trải qua đột quỵ có chất lượng sống kém, nhiều người nằm tại chỗ hoặc mang di chứng gây khó khăn trong sinh hoạt, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân", ông Thành nói.
Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não nhận định, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ tử vong hoặc mang di chứng suốt đời là do việc điều trị còn hạn chế.
"Hiện cả nước có 16 đơn vị chuyên điều trị đột quỵ, tuy nhiên chỉ tập trung TP HCM và Hà Nội. Không ít bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu chung với những bệnh khác nên không được điều trị tốt nhất", ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, thời gian vàng để cấp cứu đối với đột quỵ là 3 giờ, trong khi đó nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa phải di chuyển quá thời gian này.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu cần nhận biết để cảnh giác với đột quỵ là tê tay, líu lưỡi, khó nói, miệng bị giật méo, mắt mờ. Các triệu chứng ban đầu thường phục hồi nhanh trong ngày nên người bệnh dễ bỏ qua. Các xử trí tốt nhất là lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để phòng bệnh, cần tự kiểm soát được huyết áp, khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu, bia, siêng năng vận động. Trong trường hợp đột quỵ, người bệnh cần được nới rộng quần áo. Nếu bệnh nhân nôn ói thì nên đặt nằm nghiêng để tránh sặc. Không nên sợ bệnh nhân cắn lưỡi mà dùng các vật lạ để cán vào miệng.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo