Môi trường

Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng ra Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

DNVN – Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Trước tình trạng trên, Thủ tưởng Chính phủ đã ra Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí.

Cuộc thi “Giải cứu ông già Noel” tìm hiểu về nguồn gây ô nhiễm không khí / Hà Nội sương mù dày đặc, báo động tím tình trạng ô nhiễm không khí

Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 985a/QĐ-TTg).

Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Có thể nói, một trong những “đặc sản” của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là kẹt xe (tắc đường) và ô nhiễm không khí. Đặc biệt thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại các khu vực này thường xuyên nằm trong nhóm báo động có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Các ứng dụng liên quan đến đo lường chất lượng không khí liên tục đưa ra những cảnh báo cho những người thuộc nhóm nhạy cảm bao gồm: người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, bệnh tim cần hạn chế ra ngoài để không gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe.

Điển hình, những ngày qua có những thời điểm hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "Rất xấu" và "Nguy hại".

Không những thế, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức "Rất xấu" khiến mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn.

Với chỉ số chất lượng không khí ở mức "Xấu" và "Kém", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã từng khuyến cáo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, những nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông, cần tuân thủ luật để hạn chế ùn tắc đường, khuyến cáo tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực như Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu. Còn với khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký văn bản gửi các tỉnh thành đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM, có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ xe cộ, xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi - nghịch nhiệt trong giai đoạn giao mùa.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm