Tin tức - Sự kiện

Mỗi tuần có thêm 1.000 người sốt xuất huyết

Trong những tuần gần đây, mỗi tuần có thêm khoảng 1.000 người bị SXH, đưa tổng số người bị mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên đến 13.982 người, tăng hơn mười lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đã có 7 người chết.

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại Hà Nội. Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên dịch bệnh lây lan nhanh. Trong những tuần gần đây, mỗi tuần có thêm khoảng 1.000 người bị SXH, đưa tổng số người bị mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên đến 13.982 người, tăng hơn mười lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đã có bảy người chết.

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp tại Thủ đô, Bộ Y tế đã họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội: "Vì sao Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nước đọng sinh ra muỗi, nhiều nơi tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng; tiền để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đủ cả, mà số người mắc mới vẫn tăng, số người nhập viện vẫn tăng?". 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho rằng, tình hình SXH tại Hà Nội năm nay nằm trong bối cảnh chung của thế giới, cũng như ở Việt Nam. Theo dõi của ngành y tế trong mười năm qua cho thấy SXH vẫn lưu hành ở Hà Nội. Vào năm 2009, Hà Nội có hơn 16 nghìn người mắc, trong đó có bốn người chết; năm 2015 có hơn 15 nghìn người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Từ đầu năm 2017 đến nay, số người bị SXH tăng mạnh do thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt. 

Ðáng lo ngại là những năm trước, tại Hà Nội chỉ có hai tuýp gây bệnh SXH là vi-rút Dengue tuýp 1 và tuýp 2, nhưng hiện nay đã xuất hiện thêm vi-rút Dengue tuýp 3 và tuýp 4, người mắc bệnh do vi-rút tuýp này gây ra vẫn có thể mắc bệnh do vi-rút tuýp khác ở lần sau. 

Hơn nữa, chưa có biện pháp đặc hiệu như vắc-xin hay thuốc điều trị. Biện pháp phòng SXH hiện nay là dựa vào cộng đồng để diệt muỗi, bọ gậy, tuy nhiên vẫn chưa triệt để, do người dân vẫn chưa ý thức dọn vệ sinh các dụng cụ chứa nước có bọ gậy sinh nở và phối hợp với ngành y tế khi phun hóa chất diệt muỗi, báo Nhân dân đưa tin.

Mỗi tuần có thêm 1.000 người sốt xuất huyết. Ảnh: Internet

Dự báo trong những tháng cuối năm sẽ là “đỉnh điểm” của dịch SXH, điều này đồng nghĩa với việc số người mắc và tử vong do dịch bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng, mức độ quá tải tại các bệnh viện sẽ nghiêm trọng hơn. Để ngăn chặn, giảm thiểu số người mắc và tử vong do SXH gây ra, biện pháp quan trọng hàng đầu là tiêu diệt nguồn gây bệnh, tức là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng nếu không có sự chủ động vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan y tế và hộ gia đình thì sẽ rất khó có thể thực hiện được hiệu quả.

Theo tin tức trên báo SGGP, cùng với các biện pháp quyết liệt dập dịch ở cộng đồng thì về phía các bệnh viện cũng cần nghiên cứu, sắp xếp lại khâu khám sàng lọc bệnh và thu dung, bố trí buồng bệnh liên hoàn, hợp lý nhằm giảm bớt tình trạng quá tải. Cơ quan y tế và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kiến thức cho người dân, giúp người dân hiểu đúng về bệnh SXH và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh; phải quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị lơ là, chủ quan trong việc phòng chống dịch.

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo Nhân dân, SGGP)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo