Tin tức - Sự kiện

Móng Cái những ngày “cấm biên”

Đã 9h sáng, nhưng ông Trần Văn Cộng - một trong những chủ thuyền chở hàng trên sông Ka Long - vẫn còn gà gật trên cái võng mắc chéo đuôi thuyền. Chúng tôi hỏi chuyện, ông vừa trả lời vừa ngáp. Ông bảo, “lâu lắm rồi không có việc, trong túi không có tiền, sáng giờ chẳng có gì cho vào bụng…”.

Rồi ông lại há mồm - những cái ngáp kèm nước mắt, dài tưởng chừng có thể đi hết từ cửa khẩu Móng Cái về đến vịnh Hạ Long. Người ta bảo, sông Ka Long là “nhiệt kế” của đời sống - kinh tế Móng Cái và bên kia biên giới. Mà sông Ka Long những ngày này thì vắng lặng, hiu hắt...

Những ngày vui chưa xa

Cũng một buổi sáng tầm này của năm 2011, dù đã được mô tả từ trước rất tỉ mỉ, nhưng chúng tôi vẫn không tin vào mắt mình khi nhìn thấy những gì đang diễn ra trên mặt sông Ka Long: Tắc đường! Chính xác hơn là tắc đường thuỷ, khi có gần 2.000 con thuyền (tải trọng trung bình 35 tấn/ thuyền) ứ đầy hàng hoá đang tranh nhau vượt sông Ka Long - vốn bề ngang chỉ hơn 300m - để kịp giao hàng qua cửa khẩu. Mặt sông Ka Long lúc đó chẳng khác gì cái chợ nổi ở miền Tây, nhưng “kinh hoàng” hơn với tiếng máy nổ gầm rú, tiếng người mắng chửi, mùi xăng dầu, khói… quyện lẫn vào nhau khiến chúng tôi ù tai, hoa mắt. Tình hình căng thẳng, đến mức cơ quan quản lý đường bộ nội thuỷ phải có mặt để điều độ, như kiểu cảnh sát giao thông phân luồng trên bộ.

Cả thành phố Móng Cái ngày ấy tấp nập, nhộn nhạo với khách du lịch từ Trung Quốc sang và từ khắp cả nước đến (trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 người Trung Quốc có mặt ở Móng Cái để du lịch, buôn bán). Xe to, xe nhỏ mang biển số nhiều địa phương; xe container chở hàng tạm nhập - tái xuất từ Hải Phòng sang, chở hàng xuất khẩu từ các tỉnh miền Trung ra, phía bắc xuống… nối đuôi nhau cả chục cây số trên các tuyến đường ra cửa khẩu Bắc Luân. Hàng hoá lưu thông, cứ gọi là như nước lũ! Rồi nhà hàng, khách sạn, cà phê, cơm bụi, hàng nước vỉa hè… đâu đâu cũng đông nghịt khách du lịch, cửu vạn, khách buôn…

Đặc biệt, chợ đêm Móng Cái ở trước mặt cửa khẩu Ka Long san sát hàng ăn, quán nhậu, quần áo, giày dép, hàng điện tử… luôn chen lấn kẻ bán, người mua trong tâm trạng “cứ chơi đi, sáng mai về sớm”. Không chỉ chợ đêm không ngủ, mà gần như cả thành phố Móng Cái không ngủ. “Phi thương bất phú”, phải có mặt tại thành phố Móng Cái thời điểm đó, mới thấm thía hết ý nghĩa câu nói này.

Nhưng đó là những ngày vui của năm cũ. Thành phố Móng Cái giờ đến đâu cũng nghe buồn teo, hiu hắt do gần 2 năm nay, đặc biệt là từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 hồi đầu tháng 5 ở Biển Đông, phía Trung Quốc bỗng dưng xem hàng tạm nhập - tái xuất (vốn chiếm hơn 70% tổng hàng hoá xuất - nhập khẩu qua địa bàn Móng Cái) và “cấm biên”, siết chặt quản lý mặt hàng này. Cánh cửu vạn ngày trước việc liền tay, tiền đầy túi là thế, giờ số đông túm tụm khắp nơi đánh bài, rượu suông, chuyện vãn… vô vọng chờ hết ngày qua đêm. Lang thang ngoài phố, cánh xe ôm, taxi bây giờ cũng không còn chảnh choẹ mà quay sang săn đón, vồn vã chúng tôi đến bất thường.

Một chủ hàng nước tên Thu là người hơn 20 năm bán nước trước chợ Móng Cái, nên đã chứng kiến không biết bao nhiêu biến thiên của thành phố này. Nghe chúng tôi nói chuyện thời cuộc, sẵn dịp ế ẩm nên bà góp vui, nói nghe như chuyên gia: “Móng Cái phất lên mấy năm cũng nhờ biên mậu, và thê thảm như bây giờ cũng do biên mậu”.

Bà kể “ngày trước bán nước từ 6h chiều đến 5h sáng hôm sau mới về, lúc nào cũng đông khách, nhưng giờ chỉ qua nửa đêm là phải cuốn gói, vì tầm đấy chẳng còn ma nào quanh đây”. Nhưng “như tôi chẳng nhằm nhò gì, thiệt hại nhiều và lớn nhất vẫn là các chủ khách sạn, nhà hàng, quán cà phê; hàng ngàn chủ thuyền trên sông Ka Long, những ông chủ lớn đã đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vào việc buôn bán, giờ đã và đang phá sản…”.

Chài lưới hoàn chài lưới

“Thê thảm lắm. Người lao động ở Móng Cái bây giờ không có việc làm nên chiều đến toàn đi đá bóng” - ông Nguyễn Văn Bắc - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái - vừa nói, vừa chỉ tay qua làn cửa kính xuống sân bóng phía bên cạnh trụ sở, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về tình hình biên mậu hai nước thời gian qua. Rồi ông bật máy tính in cho chúng tôi “những con số biết nói”.

Ông bảo: “Này nhé, nếu như năm 2011, có đến 115.000 container chở hàng qua cửa khẩu thì năm 2012 chỉ còn 78.000 container, đến năm 2013 thì chỉ còn hơn một nửa với 40.000 container và đến thời điểm này của năm 2014 chỉ hơn 18.000 container, chủ yếu là hàng xuất chính ngạch như bột sắn, mì tôm, bánh đậu xanh…, còn không có hàng tạm nhập - tái xuất.

Các cửa khẩu giờ vắng hoe, như Lục Lầm ngày trước đông vui như hội, giờ mỗi ngày chỉ xuất được 1-2 container”. Ông Bắc cho biết, trên địa bàn Móng Cái hiện có hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tạo việc làm thu nhập cao cho hơn 2 vạn lao động.

“Việc Trung Quốc coi hàng tạm nhập - tái xuất là hàng lậu nên “cấm biên”, siết chặt quản lý những mặt hàng này không những khiến các doanh nghiệp lao đao, nhiều trong số đó đã và đang phá sản, hệ luỵ kéo theo là hàng vạn lao động ở Móng Cái thất nghiệp. Hàng ngàn người dân ở tận Ninh Bình, Nam Định… ra đây lập nghiệp bằng nghề chài lưới, sau đó vay mượn hàng trăm triệu đồng sắm thuyền chở hàng qua biên giới với giấc mộng đổi đời, giờ sống dở chết dở, không chỉ chài lưới vẫn hoàn chài lưới, mà còn gánh trên vai một đống nợ nần” - ông Bắc nói.

Câu “chài lưới vẫn hoàn chài lưới” của ông Bắc, khiến chúng tôi nhớ đến ông Trần Văn Cộng, với gương mặt già nua và u ám, cam chịu, dù đang ở tuổi 43 - đang độ chín của đời người. Ông Cộng quê ở Gia Trung (Ninh Viễn, Ninh Bình), cùng vợ là Trần Thị Năm và 4 cô con gái ra Móng Cái lập nghiệp đã trên dưới 10 năm. “Lúc đầu vợ chồng tôi sống bằng nghề chài lưới trên sông Ka Long” - ông Cộng kể.

Đầu năm 2011, khi giao thương hàng hoá Trung - Việt qua Móng Cái đang đà lên đỉnh, như một cơn say tập thể, nhà nhà người người bỏ vốn, vay mượn đóng thuyền phục vụ việc chở hàng qua cửa khẩu với số lượng gần 2.000 chiếc nhưng cung vẫn không đủ cầu. Trong cơn say ấy, ông Cộng cũng vay mượn người thân 230 triệu đồng để đóng một con thuyền tải trọng 35 tấn.

“Thời gian đầu đúng là kiếm tiền rất dễ, 2 ngày một chuyến lên cửa khẩu giao hàng rồi về lại là kiếm được 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên kiếm tiền dễ cũng chỉ kéo dài được hơn 1 năm”. Ông Cộng nhìn xa xăm xuống khoang thuyền trống rỗng, đầy rác, thở dài thườn thượt: “Gần 2 năm nay, do bên Trung Quốc “cấm biên”, nên chẳng còn ai thuê tôi chở hàng nữa. Con thuyền giờ thành cục nợ, bán lại chẳng ai thèm mua, bán sắt thì chỉ hơn 50 triệu. Vợ chồng tôi đành phải quay lại với nghề chài lưới để kiếm sống. Bây giờ gần như tất cả các chủ thuyền trên sông Ka Long này đều rơi vào tình cảnh nợ nần, tiến thoái lưỡng nan như chúng tôi, mấy chú à”.

Hỏi, thực ra trên sông Ka Long bây giờ không phải hết việc, bằng chứng là có rất nhiều thuyền đang có việc làm bằng cách chở bột sắn lên cửa khẩu, vì sao thuyền anh chị và rất nhiều người khác lại nằm không mà ngáp dài? Bà Năm - vợ ông Cộng - trả lời: “Người ta thuê mãi nhưng chúng tôi không nhận vì chở bột sắn giao nhận rất phức tạp, chỉ cần mất, hoặc làm ướt, hỏng một bao là coi như làm không công. Thêm nữa bây giờ hàng xuất, dù chính ngạch nhưng vẫn rất khó. Có khi lên nằm tại cửa khẩu 3- 4 ngày vẫn chưa giao hàng được, vậy là tiền công không đủ ăn uống”.

Hỏi gia đình ông là sống ở đâu? Bà Năm chỉ tay xuống chân mình: “Ở đây”. Chúng tôi chưa kịp ngạc nhiên thì bà đã cầm tay lôi xuống khoang. Đó là một cái khoang rộng chưa đầy 5m2 ngổn ngang chăn gối, bếp ga, chén đũa… “Đây là chỗ ngủ và nấu ăn của hai vợ chồng và 4 con gái. Ngoài con gái đầu đi làm thì 3 đứa còn lại đều đang đi học trên bờ - bà Năm nói. Nhìn cái khoang, chúng tôi liên tưởng đến cuộc sống của những cư dân vạn đò trên sông Hương một thời và nghĩ: Thảm như nhau! Bà Năm nói, đời bà coi như xong, làm ăn quá phập phù và phũ phàng khiến ước mơ, hy vọng lớn nhất của vợ chồng bà bây giờ đặt cược hết cả vào mấy đứa con.

“Giờ khổ mấy, cũng cố kiếm tiền để cho chúng được ăn học đàng hoàng, sau này làm ông này bà nọ cho đỡ khổ, mấy chú ạ”. Nghe chuyện, lại nhớ đến câu hát rất buồn của một đứa trẻ vạn đò trên sông Hương mà chúng tôi nghe được một dạo, rằng “cha mẹ chài lưới trên sông/ đứa con thi đậu làm ông trên bờ”. Từ địa đầu Móng Cái cho đến khúc ruột miền Trung, dân chài lưới không hiểu sao lại giống nhau đến cả từng nếp nghĩ…
 

 Sẽ tạm dừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất một số mặt hàng
Không chỉ phía Trung Quốc cấm biên (trung bình mỗi năm 1 - 2 đợt, dài hay ngắn tùy theo tình hình), mà Việt Nam bây giờ cũng thay đổi chính sách với hàng tạm nhập - tái xuất, do việc kinh doanh thời gian qua diễn biến phức tạp, tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Trao đổi với báo Lao Động, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) - vừa giao bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về kinh doanh tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan. Trước mắt, tạm dừng việc tạm nhập - tái xuất, gửi kho ngoại quan đối với các mặt hàng nêu trên (ôtô, thuốc lá, rượu). Bộ Công Thương cũng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan cập nhật kịp thời chính sách biên mậu của Trung Quốc, để có khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế tình trạng thời gian qua, hàng hoá xuất khẩu ùn tắc tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước. 

Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo