Mong nhân dân luôn nhắc nhở chúng tôi
Năm qua, chúng ta cũng chứng kiến những tranh chấp căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông, nhiều ý kiến lo rằng nếu chỉ giải quyết bằng con đường hòa bình và ngoại giao thì sẽ khó giữ được chủ quyền biển đảo?
Biển Đông là một trong những chủ đề mà nhân dân ta hết sức quan tâm. Các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới có quan hệ lợi ích ở biển Đông cũng hết sức quan tâm.
"Nhân dân lúc nào cũng khoan dung độ lượng, nhưng sự khoan dung độ lượng đó cũng có giới hạn, lại càng là một điều nhắc nhở nghiêm khắc về chức trách của mỗi chúng tôi. Chức càng cao, quyền càng to thì phải thấy trách nhiệm càng lớn" (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang)
Lập trường giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển Đông bằng biện pháp hòa bình mà chúng ta luôn theo đuổi cũng chính là xu thế phổ quát của thế giới. Chúng ta hiện đang quán triệt tinh thần này cùng với thực hiện các giải pháp thích hợp khác để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước.
Năm 2012 cũng là năm Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4. Nhân dân rất bức xúc về tình trạng tham nhũng và mong việc thực hiện nghị quyết có kết quả hơn nữa, thưa Chủ tịch nước?
Kết quả thực hiện vừa qua tại Hội nghị Trung ương 6, có người khen, người chưa bằng lòng. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết vẫn đang còn tiếp tục. Vừa rồi mới chỉ là tự phê bình, kiểm điểm, còn nhiều công việc khác phải tiếp tục làm. Thậm chí tự phê bình cũng không phải chỉ có lần này, mà hằng năm làm, những gì anh hứa qua kiểm điểm, rồi hứa tự sửa chữa, thì lần kiểm điểm sau còn phải báo cáo kết quả sửa chữa đó với tập thể, với tổ chức, với cấp ủy. Mọi việc chỉ mới đang là bước khởi đầu.
Qua kiểm điểm bước đầu, dân vẫn băn khoăn chưa rõ “một bộ phận không nhỏ” là ai?
Vừa rồi, đi đâu tôi cũng thấy người dân hỏi như vậy. Qua sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của nhân dân đối với công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần này cho thấy sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ các cấp, cả cán bộ lãnh đạo cấp cao ngày càng gia tăng là một biểu hiện rất tốt.
Vừa rồi, lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tức là sự giám sát đã khác hơn trước rồi. Như chúng tôi, T.Ư giám sát chưa đủ mà còn các đồng chí nguyên là ủy viên T.Ư giám sát nữa, rất khác so với trước.
Chưa hết, tới đây hằng năm, cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) cũng sẽ giám sát chúng tôi thông qua lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, cũng là việc lần đầu tiên làm. Hằng năm, BCH Trung ương cũng sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi, việc này cũng rất mới. Ngoài ra, còn có quy chế giám sát của Mặt trận và các đoàn thể, tức là nhân dân thông qua các tổ chức của mình giám sát chúng tôi nữa.
Quá trình thực hiện các biện pháp trên sẽ góp phần làm rõ bộ phận suy thoái và góp phần sàng lọc bộ phận suy thoái đó ra khỏi đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Thưa Chủ tịch nước, sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ đảng viên, nếu không sớm được giải quyết sẽ tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa dân với Đảng?
Đúng như vậy. Nhân dân gắn bó với Đảng, với chế độ đã hơn 80 năm qua. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dù vậy vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhân dân vẫn luôn tin vào Đảng, gắn bó với Đảng, với chế độ.
Nhưng trước những khó khăn hiện nay của đất nước và sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thì những người lãnh đạo đất nước biết phải nghĩ gì... Đó là một sự ray rứt ghê gớm khi chưa giải quyết được vấn đề mất lòng dân thế này, chứ không thể yên tâm được. Đây là một món nợ lớn lắm, phải trả với dân.
Nhân dân lúc nào cũng khoan dung độ lượng, nhưng sự khoan dung độ lượng đó cũng có giới hạn, lại càng là một điều nhắc nhở nghiêm khắc về chức trách của mỗi chúng tôi. Chức càng cao, quyền càng to thì phải thấy trách nhiệm càng lớn.
Thưa Chủ tịch nước, những vấn đề gì dân bức xúc, trông đợi hằng ngày, hằng giờ, trước mắt là trong năm 2013?
Năm 2013 phải giải quyết cho được vấn đề cấp bách đầu tiên là phục hồi, phát triển kinh tế, ngăn chặn đà suy giảm 2 năm qua, không để đời sống nhân dân bị giảm sút hơn nữa, không thể tiếp tục để kéo dài tình trạng một bộ phận lớn doanh nghiệp đình đốn sản xuất kinh doanh như hiện nay và thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Nhân dân cũng đang trông đợi cần giải quyết rốt ráo, triệt để hơn nạn tham nhũng phổ biến ở các lĩnh vực đời sống xã hội với niềm kỳ vọng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng do lãnh đạo Đảng đứng đầu sẽ tạo ra chuyển biến mới. Lĩnh vực này còn nặng nợ với dân lắm, phải giải quyết cho tốt, phải xử lý triệt để những vụ việc đang sờ sờ ra đó mà ai cũng nhìn thấy, nghe thấy, để củng cố niềm tin của nhân dân.
Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ một cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với triển khai toàn diện đường lối đối nội đúng đắn, tạo nên xung lực mới trong năm mới, đưa đất nước tiếp tục đi lên trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Nhân dịp năm mới, tôi chúc đồng bào, đồng chí vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc, an lành. Chúc đất nước ta sang năm mới nhiều thắng lợi mới.
Xin cảm ơn Chủ tịch nước!
Hồng Lĩnh (Theo Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh