Thị trường

Một ngày tàu lớn vươn khơi

Nói chuyện với ngư dân, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng thường ví Hoàng Sa, Trường Sa với hình ảnh là "vườn cây, ao cá của ông cha truyền đời...". Vì vậy bị phía Trung Quốc bắt giữ, thu tàu, hành hung, đâm vỡ, dù có cấn nợ, bán nhà, ngư dân miền Trung, vẫn hăng hái đóng tàu to, vỏ sắt, cải hoán tàu cũ, bọc thép tàu võ gỗ sẵn sàng đối mặt với sóng to, địch hoạ để ra biển làm ăn. Đó là thái độ khẳng định sắt đá- Biển Đông là không gian sinh tồn của ngư dân Việt...

 

 

Chuyện từ những con tàu

 
Có mặt tại Hoàng Sa những ngày nóng bỏng, đứng trên những con tàu cá vỏ gỗ nhỏ nhoi, tròng trành trên sóng dữ, với trang thiết bị cũ kỹ mới cảm nhận hết nỗi niềm của ngư dân. Một cán bộ trên tàu CSB 2016 nói, tình hình Hoàng Sa thế nào, cứ hỏi bà con ngư dân là biết ngay. Tôi sang tàu cá QNa 98676, con tàu gỗ nhỏ xíu đi ngược sóng lớn đang tung lên, hạ xuống liên hồi. Thuyền trưởng Phạm Dựng - xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi - bức xúc cho biết: "Tàu cá Trung Quốc ngày mô cũng vô biển mình đánh bắt trái phép, còn ngang ngược cắt phá lưới của bà con nữa. Tàu hắn cơ động lắm, thu lưới bằng máy nên chiều tối vô, rạng sáng bữa sau rút ra ngoài".
 
Ra gần tới Hoàng Sa, tiếp cận tàu cá hiện đại của Trung Quốc, chúng tôi mới hiểu hết nỗi niềm của thuyền trưởng Phạm Dựng. Cách giàn khoan HD 981 khoảng 12 hải lý về phía tây nam, khoảng 70 chiếc tàu cá di chuyển theo đội hình hàng dọc, đến gần giàn khoan lại dàn hàng ngang để cản trở ngư dân và lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Một tàu mang số hiệu 98001 đi tách ra, được lực lượng kiểm ngư nhận định là tàu chỉ huy. Tới gần hơn, chúng tôi ghi nhận mỗi tàu được lắp 2 máy, công suất từ 600 - 800CV/máy, với hai ống xả, giàn phơi hải sản nhọn hoắc chĩa ra hai bên như con nhím khổng lồ. Đặc biệt, tất cả đều là tàu vỏ sắt, đầy vẻ hung hăng, trước mũi còn lắp quả chùy để đâm húc tàu khác. Vì vậy với thực lực hiện có, ngư dân của ta khó bảo vệ được ngư trường cũng như tính mạng, tài sản của mình. Đáng nói là trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam, nhiều tàu cá Trung Quốc còn tham gia đội hình cản phá, sẵn sàng đâm va các tàu chấp pháp của ta.
 
Thấy tôi ái ngại với con tàu gỗ nhỏ nhoi, ngư dân Nguyễn Văn Tươi chia sẻ: "Tàu bọn tui đang ra đánh bắt chỗ Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trái phép ở Hoàng Sa nè, đó là ngư trường truyền thống của mình. Tàu nhỏ vậy chứ bọn tui không sợ bão, không sợ cướp, chỉ sợ lỗ thôi". Hỏi mỗi chuyến đi biển được bao nhiêu, anh Tươi nói đi cho đỡ nhớ nghề, nhớ biển chứ tàu nhỏ, chi phí cao, không bám được dài ngày nên nhiều chuyến lỗ nặng. Còn theo đánh giá của Cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT), hoạt động đánh bắt thuỷ sản của Việt Nam đứng thứ 9, hoạt động nuôi trồng đứng thứ 3 so với quốc tế. Riêng con tôm sú và cá ba sa thì đứng đầu thế giới. Trong hoạt động xuất khẩu thuỷ hải sản, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.. 
 
Nhưng thực tiễn vươn khơi, khai thác thuỷ sản của ngư dân cho đến chuỗi hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu... trên bờ của ngành thủy sản VN còn quá nhiều vấn đề. Trong số gần 200.000 tàu cá trên cả nước, chỉ có 28.285 tàu công suất lớn trên 90CV, chiếm 23,1%. Có đến 99% số tàu đóng từ gỗ; 80-90% số tàu dùng thiết bị cũ, động cơ... ôtô cũ để chạy đường biển. Bởi vậy, khả năng vươn khơi kém. Cũng do vậy mà trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ven bờ chỉ cho phép khai thác mức an toàn là 600.000 tấn, thì chúng ta đã đánh bắt đến 1,6 triệu tấn (trong tổng sản lượng 2,7 triệu tấn/năm 2013). Ngược lại, trữ lượng ngư trường khơi xa trên 1,2 triệu tấn, thì ta mới khai thác được 900.000 tấn. 
 
Vì vậy, cần sắm tàu to với trang thiết bị hiện đại, vốn lớn để ra khơi xa đánh bắt là nhu cầu rất lớn, là tương lai của ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam. Ông Đồng Văn Hùng - chủ tàu cá QNg 94491 TS - phân tích: "Mô hình liên kết ngư dân mới chỉ giải quyết được một vài vấn đề nhỏ, chủ yếu là giảm chi phí, tăng số ngày bám biển nhưng cũng không đáng kể. Phải có tàu lớn thì hiệu quả đánh bắt mới cao, mặt khác đủ sức đương đầu với sóng to gió lớn, địch họa và những bất trắc khác. Đặc biệt nếu ngư trường Hoàng Sa có trung tâm cứu hộ, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại như ở Trường Sa thì hiệu quả lớn hơn, bà con yên tâm hơn". Đây chính là nỗi niềm, mơ ước của hàng triệu ngư dân. Muốn vậy, phải giải quyết tận gốc rễ những "vướng bận" cả về cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật và con người từ đất liền, ngay từ bây giờ.
 
Quyết ra biển lớn
 
Trước những đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn, cả nước đang nỗ lực thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển. Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã thu được nhiều thành quả về nhận thức, hành động, hiệu quả kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp... Từ đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc. Năm 2014, Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, theo đó quy định hàng loạt chính sách lớn để quy hoạch, tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành thuỷ sản cả nước trong thời gian đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đặc biệt, là quyết định gói tín dụng trên 30.000 tỷ đồng để cho ngư dân vay đóng mới tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt, vay vốn lưu động để ra khơi đã tạo ra không khí mới, niềm tin mãnh liệt của ngư dân vốn khốn khó, cô độc khi ra khơi lâu nay.
 
Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước đã có ít nhất 10 chuyến viếng thăm, thị sát xuống tận các làng chài ven biển, ra 4 quần đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Thổ Chu (Kiên Giang và Cô Tô (Quảng Ninh). Những lãnh đạo cấp cao nhất của nhà nước, Chính phủ đã đối thoại, lắng nghe những ý kiến, đề xuất... dù là những vấn đề cá nhân, nhỏ nhất của từng ngư dân vùng biển đảo. Điều đó cho thấy những quyết tâm vươn khơi, ra biển lớn để làm ăn không chỉ là ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mà còn có sự tiếp sức mạnh mẽ từ nhà nước, chính quyền. Trong một hội nghị tìm "Những giải pháp và chính sách phát triển thuỷ sản" tại Đà Nẵng vào tháng 4.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Biển là tiềm năng, lợi thế của quốc gia, là không gian sinh tồn của nhân dân. Cải thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ là đảm bảo khai thác, làm kinh tế mà còn nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia".
 
Cho ngư dân vay vốn đóng tàu, sắm chi phí để ra khơi là chủ trương đúng. Chỉ cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật để giải ngân thì Nghị định 67 có thể đi vào cuộc sống ngay. Tuy vậy, vấn đề hoàn thiện hạ tầng kỹ thuận hậu cần nghề cá, hình thành chuỗi giá trị trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Ngoài ra, vấn đề thay đổi quan niệm ra khơi theo mô hình truyền thống, gia đình, họ tộc mà thiếu nghiêm trọng lao động qua đào tạo, nâng cao tay nghề, có kiến thức... cũng cần thời gian. Thực trạng ở 331 xã bãi ngang thuộc 22 tỉnh, thành có biển, tỉ lệ hộ nghèo là 16%, gấp đôi bình quân cả nước, nhiều nơi tỉ lệ hộ nghèo gấp 3 cho thấy những nỗ lực, quyết tâm làm thay đổi kế hoạch khai thác biển của Nhà nước không "dựa" vào mỗi Nghị định 67. 
 
 
 
Vì vậy, việc các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các chính sách liên quan đến đánh bắt thuỷ hải sản, chính sách phát triển kinh tế xã hội đối với các vùng biển đảo để có điều chỉnh kịp thời thì nỗ lực của người dân, quyết tâm của Chính phủ mới mong có kết quả vui. Dẫu sao, sự khởi đầu trong năm 2014 để tìm các giải pháp hữu hiệu, giúp ngư dân ra khơi đã tạo được niềm tin, củng cố quyết tâm ra khơi, bám biển của 1 triệu ngư dân trực tiếp đi biển, gần 5 triệu người khác hoạt động các ngành nghề liên quan đến ngư nghiệp, đến biển, và hơn hết là niềm tin của toàn dân tộc. Bởi không phải bây giờ mà từ hàng trăm năm trước, sự có mặt của ngư dân trên biển, với hoạt động kinh tế bình thường chính là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiết thực nhất.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo