Một Trường Sa trong tâm linh
Đã có Lễ khao lề thế, mộ gió cho những người lính thuộc Hải đội Trường Sa của Nhà Nguyễn xưa. Đã có những vòng hoa và nghi lễ thiêng liêng của những con tàu đi ngang gần qua vùng gần đảo Cô Lin, Gạc Ma, nơi những người lính hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam bỏ mình vì nước năm 1988.
Đời sống và nghi thức tâm linh của Trường Sa lại càng thiêng liêng và thẳm sâu khi những ngôi chùa lần lượt được tôn tạo, đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa, nhà lưu niệm Bác Hồ và tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được dựng lên.
Những ngày cuối tháng 4/2013, tôi được đi trực thăng ra Trường Sa. Khi trực thăng hạ độ cao để đáp xuống Trường Sa Lớn, tôi thấy bên cạnh những tòa nhà lớn, khang trang, mái đỏ tươi mà sau đó được biết dùng làm trụ sở và doanh trại, còn rực lên trong nắng là hai công trình với mái cong đậm nét kiến trúc dân tộc nằm hai bên dải đường băng lớn chính giữa đảo: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chùa đảo Trường Sa Lớn.
Một trong những nghi thức đầu tiên sau khi đến đảo là thăm Nhà lưu niệm Bác. Công trình do tỉnh Nghệ An xây dựng tặng huyện đảo Trường Sa được thiết kế theo lối một ngôi đền truyền thống, mái hai tầng cong vút. Bên phải là một nhà bia ghi tiểu sử Bác Hồ, còn bên trái là một quả chuông khá lớn mà tiếng rất trong, thỉnh lên nghe vang vọng lạ thường trong không gian biển. Chính điện, có tượng Bác bằng đồng, ngồi trên ghế, bên trên là hình búa liềm, ngôi sao và dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” có chữ ký của Người bên dưới.
Các đại tự, hoành phi, câu đối trong Nhà lưu niệm đều viết bằng chữ quốc ngữ. Bức đại tự lớn nhất ghi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Hai câu đối lớn hai bên ghi câu dặn dò lịch sử của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Gần đối diện với Nhà tưởng niệm là chùa Trường Sa Lớn. Một ngôi chùa rất đẹp đúng lối truyền thống, gian giữa, hai chái, mái cong có đao đình. Tượng Phật trong chùa bằng đá màu trắng xanh, chúng tôi được giới thiệu đó là quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại chùa (được biết Thủ tướng tặng tượng Phật cho tất cả các chùa được khôi phục, tôn tạo ở Trường Sa).
Hôm chúng tôi đến, các vị sư trụ trì là Đại đức Thích Giác Nghĩa và Đại đức Thích Ngộ Thành đi đâu đó không có mặt tại chùa, nhưng trong chùa vẫn có các Phật tử khác chăm sóc và ngan ngát khói hương. Đêm, tôi đứng trước cổng chùa, nhìn mái của nó vạch nét cong vút lên nền trời thẳm, thấy chả khác gì mình đang đứng trước cổng chùa một ngôi làng nào đó ở miền quê Bắc bộ.
Từ chùa, theo nguồn ánh sán, tôi đi chếch sang bên kia đường băng để đến Đài Liệt sĩ Trường Sa, thấy Thượng tá Chính trị viên đảo Phạm Quang Trung (thời điểm tháng 4/2013) đang chuẩn bị cho một sĩ quan thắp hương, đồ lễ đơn sơ vài thứ quả, chắc người sĩ quan mang từ đất liền ra.
Anh là Sư trưởng một sư đoàn không quân, máy bay SU 30 của đơn vị anh vẫn bay huấn luyện và tuần tiễu khu vực Trường Sa. Hồi chiều, hai chiếc đã hạ thấp độ cao và bay chậm hết mức có thể (nghe đâu chừng 200km/h) để nghiêng cánh chào cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng đoàn đại biểu vừa từ đất liền ra đảo.
Đài tưởng niệm lớn, uy nghi bằng đá xanh. Cổng đài có tấm bia ghi là công trình do ông Phạm Văn Sáu (là sĩ quan QĐND Việt Nam) đóng góp kinh phí (gần 10 tỷ). Đài tưởng niệm được khởi công ngày 2/10/2010, khánh thành ngày 29/6/2010. Vật liệu chính là đá xanh được lấy từ quê hương Thanh Hóa của ông Sáu. Thượng tá Trung giới thiệu với tôi về quá trình xây dựng và người hiến kinh phí xây dựng Đài Liệt sĩ rồi thầm thì: “Thiêng lắm”.
Sư trưởng thắp hương xong, tôi cũng kính cẩn cắm vào bát hương dưới chân đài một nén, đứng lặng hồi lâu trong màn đêm Trường Sa tưởng nhớ những người đã bỏ mình trong vòng mấy trăm năm qua để hôm nay, cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên đảo, để chúng tôi có được niềm tự hào ngắm nhìn và chụp ảnh bên cột mốc chủ quyền: Nước CHXHCN Việt Nam, Trường Sa Lớn, Vĩ độ: 08¬o 38’30’’, Kinh độ 111o 55’55’’.
Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất ở Trường Sa, nhưng ngôi chùa lớn nhất lại nằm bên Song Tử Tây, hòn đảo nằm xa nhất về phía đông mà ta đang giữ. Và nếu Chùa Trường Sa Lớn nằm giữa đảo thì Chùa Song Tử Tây lại nằm sát mép biển.
Vẫn là một kiến trúc truyền thống đậm bản sắc dân tộc, tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái…, vẫn là những gỗ quý được chọn để dựng lại chùa. Một ngôi chùa lớn ngay cả nếu nó được đặt trong đất liền. Tôi gặp ở sân chùa Đại đức Thích Thánh Thành, một trong các vị sư trụ trì (còn có Thượng tọa Thích Tâm Hiện). Ông người gầy, xanh (tháng 9 vừa qua, tôi đọc báo thấy viết ông bị bệnh đường ruột nặng, Quân chủng Hải quân phải điều trực thăng ra chở ông về đất liền cấp cứu).
Thời điểm tháng 4/2013, Đại đức Thích Thánh Thành đã tình nguyện ra đảo được một năm. Trước đó, nhà sư 35 tuổi, xuất gia từ năm 1992 này ở chùa Hội Phước, TP Nha Trang. Đến lúc đó, thầy Thành chưa vào lại bờ lần nào. Qua câu chuyện với thầy Thích Thánh Thành và đọc bài thầy trả lời phỏng vấn báo chí trước đó thấy ý thức và trách nhiệm công dân của người tu hành này rất cao.
Trên Song Tử Tây còn nghi tượng Trần Hưng Đạo ở phía đông của đảo. Tượng tạc theo mẫu bức tượng Trần Hưng Đạo được dựng ở thành phố Nam Định (tác giả là họa sĩ Vương Duy Biên, hiện là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Bức tượng bằng đá xám, cao 11 mét sừng sững trên bệ đá đen, là món quà của tỉnh Nam Định dựng tặng huyện đảo. Việc người anh hùng dân tộc ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, người trong tiềm thức con dân Việt là Đức Thánh Trần linh thiêng, uy nghi có mặt trên đảo có một ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu xa.
Người và Hồ Chí Minh- cũng được nhân dân tôn là bậc thánh, một đức Ngọc Phật, hai vị anh hùng dân tộc đang cùng hồn thiêng của các thánh nhân, các anh hùng, liệt sĩ mấy nghìn năm của dòng giống Lạc Hồng phù trợ cho con cháu bây giờ gìn giữ biển đảo, đất trời của Tổ quốc Việt Nam.
Trong chuyến đi, trực thăng của chúng tôi không đáp xuống mà chỉ bay ngang qua đảo Sinh Tồn. Nhưng tôi biết ở đó cũng có một ngôi chùa. Không lớn bằng các chùa Song Tử Tây và Trường Sa Lớn, nhưng theo lời kể của những người đã đến đó thì Chùa Sinh Tồn có khuôn viên trồng các loại cây bàng vuông, phong ba cổ thụ rất đẹp.
Các ngôi chùa ở Trường Sa đều được dựng để cửa hướng về phía Thủ đô Hà Nội. Gỗ dùng để đựng đều là gỗ quý, chịu được gió mặn, hơi sóng biển; các tượng đều tạc bằng đá hoặc gỗ quý; các cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối đều sơn son, thếp vàng và ở mỗi chùa được làm khác nhau chứ không dập khuôn; chữ dùng trong chùa thống nhất là Quốc ngữ. Các bức đại tự lớn nhất trong các chùa Trường Sa chỉ viết giản dị tên các chùa: Chùa Trường Sa Lớn, Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn.
Các chính điện đều có bức đại tự Đại hùng bảo điện. Ở chùa Song Tử Tây còn có một số bức nhỏ hơn đề Từ nhân quảng đại, Vạn đức từ tôn…
Các câu đối ở các chùa trên ngoài nội dung Phật giáo, đều ca ngợi biển đảo tươi đẹp của Tổ quốc: Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh; Cá đọc kệ được thành tiên/Rồng nghe kinh mà mộ đạo, Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ; Mây lành che Đông Hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử…
Được biết, từ tháng 4/2013, các chùa trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh tiếp tục được tôn tạo và nay hoàn tất. Trong quá trình khôi phục, tôn tạo các chùa ở Trường Sa có vai trò rất lớn của Doanh nghiệp Xuân Trường, đơn vị đầu tư xây chùa Bái Đính, nay lại là chủ công trong cung cấp vốn và thi công tôn tạo các chùa ở Trường Sa.
Các công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo cùng đời sống tâm linh là một khía cạnh rất thẳm sâu của chủ quyền. Đó là cột mốc lịch sử, cột mốc văn hóa, cột mốc tôn giáo, cột mốc tâm linh khó gì có thể phá bỏ và xóa nhòa. Khi các công trình tưởng niệm được dựng lên, các ngôi chùa được tôn tạo lại, chủ quyền của Tổ quốc đối với Trường Sa càng được khẳng định và củng cố chắc chắn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo