Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với xã Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội sáng 3/12, bà Khuất Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường THCS Tích Giang đã nêu ý kiến, kiến nghị về sự khó khăn trong giáo dục nơi đây đang gặp phải khiến cả hội trường lặng im.
“Trong những năm qua, công tác giáo dục của xã Tích Giang đã nhận được sự quan tâm rất lớn của UBND huyện Phúc Thọ, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để giáo dục có bước phát triển cả về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Người dân Tích Giang chúng tôi luôn tự hào là một vùng quê có truyền thống hiếu học và nhất là Đảng ủy, UBND xã và phụ huynh luôn quan tâm chăm lo tốt nhất cho thầy và trò các nhà trường có được điểu kiện dạy và học tốt nhất. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế địa phương còn nghèo và thu nhập của người dân còn thấp, mặc dù rất quan tâm chăm lo nhưng cũng không thể nào quan tâm đầy đủ được. Khó khăn từ cấp học mầm non đến tiểu học và THCS.
Xin trình bày với đại biểu Quốc hội trước hết về trường mầm non, trong 3 trường THCS và tiểu học thì trường mầm non chưa đạt chuẩn, do trường mầm non có rất nhiều khu lẻ, hiện nay các phòng học của trường mầm non đều xuống cấp, kể cả khu a, khu b, các lớp học đều đã nứt vỡ, hiện nay trường mầm non vẫn chưa có khu hiệu bộ, Ban giám hiệu phải làm việc tạm dưới gầm cầu thang. Ban giám hiệu có rất nhiều hồ sơ sổ sách, để hoạt động được phải lấy một phòng học của các cháu để làm việc, vì công việc rất nhiều nhưng hiện tại các cháu còn đang thiếu phòng học nên phải tận dụng cả gầm cầu thang, làm việc trong một điều kiện như thế sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Bếp ăn để phục vụ cho các cháu cũng không có bếp, chỉ là bếp ăn tạm nên rất khó khăn cho công tác phục vụ cho các cháu.
Hiện tại trường mầm non cũng không có phòng bảo vệ, phòng riêng và các khu vệ sinh cho giáo viên cũng không có, các cô phải dùng chung phòng vệ sinh với các cháu. Hiện tại đội ngũ của trường mầm non còn thiếu 2 nhân viên nhà bếp và 1 nhân viên bảo vệ. Hy vọng rằng UBND thành phố và UBND huyện quan tâm tạo điều kiện.
Riêng trường tiểu học Tích Giang đã đạt chuẩn từ năm 2000, theo tiêu chí trường chuẩn của Hà Tây cũ và trường cũng đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2012, mặc dù vậy theo tiêu chí của tỉnh Hà Tây cũ thì trường còn rất thiếu về cơ sở vật chất. Hiện nay, trường có 19 lớp, nhưng chỉ có 17 phòng học, vì vậy các em học sinh nơi đây phải học 2 ca. Ngoài ra, trường không có phòng học đa năng cho các cháu, thư viện nhà trường là phòng cấp 4, đã xuống cấp và lở trần. Để duy trì việc đọc sách cho các cháu là rất khó và giáo viên nơi đây rất lo sợ vì không may sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc như lở trần sẽ là hiểm họa khó lường cho các cháu, nên việc duy trì hoạt động của thư viện là rất khó.
Đã nhiều năm nay trường không có giáo viên nam, hiện tại chỉ có 2 nhân viên bảo vệ là nam, đầu năm học 2013 – 2014 vừa qua đã được tăng cường thêm một giáo viên nam dạy thể dục, để xóa việc thiếu nam giáo viên trong hội đồng giáo dục nhà trường. Xin đề nghị được bổ sung thêm một giáo viên nam dạy thể dục.
Với trường THCS Tích Giang đã đạt chuẩn từ năm 2006 và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, theo tiêu chuẩn của Hà Tây cũ thì các trường đã được xây dựng, nhưng không đúng quy cách, khi sáp nhập về Hà Nội thì các phòng bộ môn mới chỉ dừng lại ở xóa nhà cấp 4, UBND xã đã đầu tư xây dựng phòng bộ môn, nhưng không đạt chuẩn, và không được cấp trang thiết bị như bàn học, vì phòng học quá nhỏ. Hiện nhà trường có 8 phòng học được xây dựng từ năm 1992, khi được Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đầu tư xây dựng, trần không đổ trần mà chỉ là gác bờ-lô. Năm nào cũng phải sửa chữa, quét vôi, lợp mái, để đảm bảo duy trì nề nếp học tập của thầy và trò.
Hiện nay theo chương trình đề án xây dựng nông thôn mới của xã, trường THCS đang được xây phòng học đa năng và nhanh chóng hoàn thiện để đảm bảo cho các cháu không phải tập và học ở ngoài trời vào những hôm trời mưa, rét.
Khi đồng chí Phạm Khắc Lợi, Phó Phòng giáo dục huyện có về kiểm tra nhà trường có cười và nói vui rằng, nếu mà trường không được đầu tư xây dựng thêm để đạt chuẩn thì sẽ thu hồi danh hiệu đạt chuẩn của trường THCS. Thế nhưng kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhà trường là rất lớn nếu chỉ trông chờ vào sự đầu tư của UBND xã và nhà trường là rất khó do nguồn kinh phí còn hạn hẹp.
Phòng giáo dục huyện cũng rất mong muốn các trường trên đại bàn huyện chưa đạt chuẩn thì sẽ được đầu tư để đạt chuẩn, còn những trường đã đạt chuẩn thì để lại. Và đối với các trường Tiểu học và THCS ở Tích Giang đều đã đạt chuẩn đều nằm trong diện như thế.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy rất mong muốn đội ngũ giáo viên của huyện sẽ cống hiến hết mình vì một nền giáo dục phát triển, thế nhưng việc đảm bảo cơ sở vật chất đảm bảo là rất quan trọng. Qua buổi tiếp xúc cử tri này rất mong muốn các đại biểu Quốc Hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Phúc Thọ quan tâm để ngành giáo dục Tích Giang sẽ đi lên, đáp ứng được yêu cầu dạy và học và mong mỏi của người dân nơi đây”.
InforNet