Mùa hè, cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản
Những ngày nắng nóng vừa qua, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc viêm não, trong đó có những bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản, là bệnh để lại những di chứng nặng nề lâu dài cho trẻ, gia đình và xã hội.
Nhiều bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch, việc chữa trị rất khó khăn, đồng thời cũng để lại di chứng nặng nề. Một phần nguyên nhân là do nhiều bà mẹ nhầm lẫn bệnh viêm não Nhật Bản với bệnh cảm sốt thông thường nên chủ quan, không đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm não - màng não cấp tính. Phần lớn bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản là trẻ em trong độ tuổi từ 1-15. Đây là căn bệnh nhiễm trùng thần kinh, lan truyền từ súc vật như lợn, chim mang virus lây sang người thông qua các loại côn trùng tiếp xúc với trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex.
Việt Nam có 2 nhóm chim có khả năng truyền bệnh là nhóm chim bông lau, chim sẻ nhà, chích choè và nhóm cò, sáo.
Bác sĩ Hải cho biết, thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1 đến 6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan (không liên quan bữa ăn của trẻ).
Tiếp đó trẻ bước vào giai đoạn viêm não cấp tính với biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên. Run giật là dấu hiệu thường thấy ở ngón tay, mi mắt.
Bệnh nhi có thể xuất hiện những cơn co giật toàn thân, hoặc từng phần cơ thể. Thậm chí trẻ có những rối loạn ý thức, hôn mê, tiết nhiều đờm dãi, giọng nói khàn, lè nhè, khó nói… Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao.
Bệnh viêm não Nhật Bản không có thuốc chữa đặc hiệu. Điều trị chỉ giúp làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do tổ chức não bị viêm gây nên như suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng. Sau đó thì điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần nhưng kết quả điều trị phục hồi này rất hạn chế.
Biện pháp tích cực nhất để phòng bệnh là tiêm vaccineviêm não Nhật Bản đúng và đầy đủ, mắc màn khi nằm ngủ.
Vaccine viêm não Nhật Bản được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, nhắc lại mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất một tuần, tiêm mũi thứ 3 sau một năm và có thể tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến 15 tuổi. Trẻ vẫn có thể nhiễm bệnh nếu tiêm phòng không đúng số lượng và thời gian giữa các mũi tiêm.
Hiện nay, hầu hết bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản đều bị di chứng nặng nề. Có đến 70-80% trẻ mang những di chứng thần kinh - tâm thần. Dù được cứu chữa kịp thời và tích cực, những di chứng cho trẻ rất nghiệt ngã với nhiều mức độ như bại liệt, cấm khẩu, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn, run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới tỷ lệ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản lên tới 20-30% số người nhiễm bệnh.
Theo TPO
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024