Mua lại công ty tài chính: Xu hướng mới để tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng
Sự ra đời và phát triển nhanh giai đoạn 2006 - 2007 của loạt công ty tài chính cũng đã hút một lượng lớn vốn lớn đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và nay, trước yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, việc bán lại cho các ngân hàng thương mại cũng là một giải pháp.
Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định cho phép Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính than - khoáng sản Việt Nam.
Theo đó, VPBank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam tại công ty tài chính trên.
Thương vụ trên của VPBank là sự tiếp nối xu hướng mua lại công ty tài chính vừa định hình trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Làn sóng này đã bắt đầu, được xem là một hướng đi mới của quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Trước VPBank, Ngân hàng HDBank cũng đã mua gọn 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 vừa qua, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã trình cổ đông kế hoạch mua lại toàn bộ một công ty tài chính, tiếp sau kế hoạch sáp nhập thành công Ngân hàng Habubank.
Trong khi đó, một ngân hàng thương mại lớn khác cũng đang tính toán kế hoạch mua lại một công ty tài chính nếu khả thi, hoặc sẽ thành lập một công ty hoàn toàn mới trực thuộc, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới.
Với các ngân hàng thương mại, việc mua lại các công ty tài chính một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng quy mô…, quan trọng hơn là còn để tạo một công ty chuyên biệt nhằm phục vụ, triển khai các dịch vụ tài chính cá nhân - một mảng hoạt động đang dần khẳng định tầm quan trọng và có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.
Với các công ty tài chính, việc bán lại cho ngân hàng thương mại, họ sẽ có một chỗ dựa đúng ngành và có tiềm lực tài chính tốt hơn, sẽ là một lối thoát cho tình thế hiện nay.
Trong vài năm trở lại đây, tình hình hoạt động của nhiều công ty tài chính sa sút nhanh, tình trạng thua lỗ thể hiện khá rõ qua dữ liệu thống kê cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật định kỳ…
Mặt khác, sau giai đoạn phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô những năm 2006 - 2007, mô hình công ty tài chính tại Việt Nam bộc lộ nhiều khó khăn lớn, khi bị giới hạn huy động vốn trong dân cư và hạn chế trong việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cũng như khó phát triển các dịch vụ sản phẩm tiện ích…
Sự ra đời và phát triển nhanh giai đoạn 2006 - 2007 của loạt công ty tài chính cũng đã hút một lượng lớn vốn lớn đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và nay, trước yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, việc bán lại cho các ngân hàng thương mại cũng là một giải pháp.
Với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung, sau khi tái cơ cấu nhóm ngân hàng thương mại yếu kém, làn sóng mua lại các công ty tài chính sẽ là bước tiếp theo để tinh gọn lại hệ thống, để có thể xử lý những khó khăn và hạn chế liên quan đến khối thành viên này.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo