Mùa trâu bò “di cư” tránh rét
Những ngày mùa đông này nhiệt độ về đêm ở huyện Sa Pa, Lào Cai xuống dưới 3 độ C nên người dân nhiều xã của huyện Sa Pa lại lũ lượt đưa trâu xuống các vùng dưới thấp tại khu vực huyện Bát Xát như Cốc San, Tòng Sành để tránh rét.
Nhiều đàn trâu được người dân len từ trên đồi cao xuống đường. Nhiều hộ dân phải đưa trâu bò đi bộ gần một ngày mới có thể đến nơi tránh rét.
Trâu bò, người già và con trẻ cùng đi
Anh Giàng A Lử (38 tuổi ở xã Pa Pả) cho biết năm 2012 gia đình anh nuôi được năm con trâu thì sau đợt rét chết mất bốn con.
Đến năm nay con trâu còn sót lại mới sinh thêm được một con nghé. Vào mùa lạnh thức ăn cho trâu cũng hiếm, đến cỏ là thứ dễ lấy nhất trong rừng cũng chết rụi do không chịu được giá lạnh.
Khu đất mà gia đình anh đưa trâu đến tránh rét lần này là một nơi bằng phẳng ở xã Cốc San. Sau khi đến nơi anh cùng người thân trong gia đình đi tìm chỗ tá túc, dọn hết bụi cây dại lấy nơi làm lều cho người ngủ và làm chỗ cột trâu.
“Đi cùng tôi xuống dưới này có bố, em trai và mấy đứa trẻ con. Ở trên kia nhiều lúc nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, hôm nào cũng phải đốt lửa sưởi. Cứ nói là di cư trâu nhưng thật ra chúng tôi còn đưa cả người già và trẻ em xuống đây tránh rét. Chỉ đứa nào đang còn độ tuổi đi học mới cho ở nhà” - anh Lử nói.
Tiếp lời anh Lử là ông Giàng A Tính đã gần 80 tuổi, ông cho biết do tuổi đã cao và thời tiết trên Sa Pa lạnh nên ông theo con cháu xuống dưới này tránh rét.
“Tôi già rồi không làm được gì nữa, xuống dưới này cùng với các cháu cho vui. Ở trên kia bây giờ lạnh, buồn lắm. Hết mùa đông chúng tôi lại di chuyển về nhà cũ để tiếp tục làm ăn” - ông Tính chia sẻ.
Khu vực “tập kết” trâu là nơi có nhiều cỏ, địa hình bằng phẳng, có nước suối chảy qua và tiện cho việc đi lại. Vì ngoài chăn trâu người dân còn phải đưa sắn khô, tươi ra khu trung tâm để bán.
Trong những chuyến “di cư” người dân thường mang theo quần áo, chăn màn và nhiều đồ dùng cá nhân khác để ở lại nhiều tháng.
Cách điểm cắm lều của gia đình ông Tính không xa là gia đình anh Mã Do Ạ (37 tuổi), khi chúng tôi đến đúng lúc anh và con trai đang chuẩn bị đi bẫy chuột rừng để làm thức ăn. Anh Ạ cho biết cách đây ba năm gia đình anh nuôi được bốn con trâu thì gặp rét đậm chết hết. Đến năm ngoái anh và vợ vay vốn ngân hàng để mua một con trâu, nay con trâu mẹ đã đẻ được một con nghé.
“Trâu nuôi mấy năm mới sinh được nghé, đến lúc thấy đàn trâu tăng thêm mấy con thì chết hết. Tôi và vợ buồn lắm nhưng chẳng còn biết làm cách nào. Sau thấy mọi người đưa trâu xuống thấp tránh rét, trâu không bị sao nên cũng đưa đi theo” - anh Ạ cho biết.
Mỗi gia đình đưa trâu đi tránh rét thường chỉ có 2-5 con trâu, nhưng khi “di cư” họ gộp thành những đàn hàng chục con.
Người dân cho biết chỉ hai, ba con thì bọn trâu không chịu đi. Khi gộp thành đàn đông đúc phải trên chục con chúng mới chịu di chuyển theo chủ nuôi một đoạn đường xa xôi hàng chục cây số.
“Khi đã có đàn lớn rồi, chúng tôi chọn ra con đầu đàn để đeo vào cổ nó một quả lắc định hướng, chỉ đường cho các con sau. Có con đầu đàn dẫn đường thì tất cả các con sau phải đi theo” - chị Giàng Thị Sú (32 tuổi) cho biết.
Cuộc sống “nơi định cư”
Người dân cho hay cuộc “di cư” tránh rét cho trâu bò kéo dài khoảng ba tháng, bắt đầu từ đầu mùa đông. Tùy thời tiết, năm nào lạnh ít họ sẽ di chuyển về nhà sớm hơn. Nếu thời tiết lạnh kéo dài thì họ quay về muộn hơn.
Có chứng kiến bữa cơm chỉ rau rừng và vài miếng đậu phụ ở các lều, lán của những người “di cư” thì không khỏi xót xa. 8g tối, nhiệt độ ở Cốc San và Tòng Sành xuống khoảng dưới 8 độ C.
Những người trụ cột trong các gia đình cũng vừa đặt chân về đến lều và ăn cơm tối. Bữa cơm ở các lều thường chỉ có rau rừng, gia đình nào có điều kiện thì thêm đậu phụ. Còn thịt heo, cá khô dường như là một thứ xa xỉ...
Để cải thiện bữa ăn nhiều hộ dân đi đánh bẫy chuột và chim rừng. Trong mâm cơm của gia đình anh Giàng A Tống có đến tám người, nhưng chỉ có rau rừng và vẻn vẹn mấy khuôn đậu mua được ở chợ.
“Xuống đây tránh rét, cuộc sống dựa hết vào cây sắn. Gia đình nào bán được sắn mới có tiền, còn không chỉ ăn thế này thôi. Thỉnh thoảng mới dám mua một ít thịt để ăn. Chỉ mong sao trời bớt rét chứ khổ bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được” - bà Lùng Thị Tảo (42 tuổi, ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa) tâm sự.
Ngồi bên đống lửa cạnh người thân trong gia đình để sưởi ấm, bà Hạ Thị Tế (56 tuổi) nói: “Dưới này cũng lạnh nhưng còn đỡ hơn trên nhà nhiều.
Thời gian này trên đó lạnh lắm, không trồng được cây gì cả. Trồng ngô cũng không lên được, rau thì cứ rụi đi. Trâu chết vì rét và đói. Vậy là gia đình tôi đành kéo xuống đây chỉ để ở nhà một người trông tài sản thôi”.
Lều của gia đình bà Tế được dựng ngay cạnh đồi sắn. Bà và năm người trong gia đình phải dùng rơm, rạ lót làm đệm cho bớt rét.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai - cho biết những năm gần đây trên vùng cao biến đổi khí hậu bất thường, rét kéo dài nên việc phòng tránh rét cho người và gia súc được đặt lên hàng đầu.
Từ tháng 8 năm nay, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các huyện hướng dẫn người dân chuẩn bị thức ăn để chống đói cho trâu bò. Huyện Sa Pa tập trung lượng lớn gia súc của tỉnh nên lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương định hướng, cổ vũ động viên và khuyến cáo người dân giữ gìn sức khỏe, bảo vệ gia súc bằng cách di cư tránh rét.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Hơn 6000 học sinh, sinh viên sắp được đào tạo nhân lực công nghệ cao
Sân bay Đà Nẵng dự kiến xây nhà ga hàng hoá 100.000 tấn/năm