Mua vàng trang sức đúng tuổi ở đâu từ 1/6?
Luật bất thành văn "vàng trang sức mua đâu thì phải bán ở đó" nếu không muốn mất giá có bị triệt tiêu khi từ 1/6, vàng trang sức phải đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 22 của Bộ KHCN mới được phép lưu thông trên thị trường?
“Ma trận” vàng trang sức, mỹ nghệ
Một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh vàng trang sức cũng có từ 1.000-3.000 sản phẩm, vốn tự có khoảng 10 tỷ đồng. Như vậy, tính trên cả nước có khoảng 12.000 địa điểm kinh doanh vàng thì số lượng lên đến hàng chục triệu sản phẩm.
Riêng đối với vàng miếng bao giờ hàm lượng vàng cũng phải đạt 99,99% (24K). Còn đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ thì chất lượng vàng rất đa dạng khi độ tuổi vàng chạy dài từ 3 tuổi (hàm lượng vàng 33,3%) đến 10 tuổi (hàm lượng vàng 99,99%). Độ tuổi vàng phụ thuộc vào hàm lượng vàng có trong sản phầm. Tuy nhiên, thị trường vàng trang sức chủ yếu lưu hành vàng 18K (7,5 tuổi).
Khi mua vàng nữ trang khách hàng phải trả tiền gia công sản phẩm, ít nhất là 300.000 đồng/sản phẩm cho đến hơn 1 triệu đồng, tùy độ tinh xảo khiến giá bị đội lên.
Chẳng hạn, một tiệm vàng tại chợ Bến Thành tính giá chiếc nhẫn 1,43 chỉ với giá vàng 18K là 25,2 triệu đồng/lượng, cộng với tiền gia công 600.000 đồng, cộng với hạt đá 500.000 đồng. Tính ra giá thành chiếc nhẫn là 4,7 triệu đồng.
Chị Huỳnh Thanh Hương, khách hàng mua vàng tại một tiệm vàng chợ Bến Thành cho biết, từ trước đến nay chị mua vàng nữ trang dựa vào các thông số ghi kèm trên sản phẩm và uy tín của chủ tiệm vàng chứ chưa bao giờ kiểm tra xem vàng có đúng chuẩn hay không. Còn việc đảm bảo chất lượng vàng được ghi vào trong hóa đơn mua hàng. Nếu khách hàng đi kiểm tra thấy thiếu tuổi thì tiệm vàng sẽ đền bù.
Như vậy, người tiêu dùng khi mua vàng trang sức chỉ nhận biết sản phẩm bằng mắt thường, kinh nghiệm và các thông số ghi trên sản phẩm. Nên nhiều khi vàng không đúng chất lượng công bố thì khách hàng cũng chịu. Chỉ khi đem sản phẩm của tiệm vàng này bán cho tiệm vàng khác nếu vàng không đủ tuổi mới bị phát hiện.
Chị Lê Kim Thảo (An Giang) khi đi du lịch tại Sài Gòn đã phải bán một lắc đeo tay 02 chỉ vàng 18K (7,5 tuổi) với giá vàng 16K, vì chủ tiệm vàng tại chợ Bến Thành kiểm tra thấy vàng chỉ đủ 6,6 tuổi (16K).
Để bảo vệ người tiêu dùng, từ 1/6, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng theo Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN (TT 22-ban hành ngày 26/9/2013) của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo một chuyên gia về vàng, ở đây chúng ta cứ xét về mặt chất lượng vàng trước đã, vì người tiêu dùng trả đủ tiền thì phải nhận được hàng đúng tiêu chuẩn. Còn bao bì, thông số sản phẩm thì cần phải nghiên cứu cho phù hợp, thẩm mỹ một số thông số: tuổi vàng, cơ sở sản xuất đã được dập trực tiếp trên sản phẩm rồi.
Có quy định mới lòi... vàng non tuổi
Một chủ tiệm vàng tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết từ xưa đến nay đối với vàng 7,5 tuổi thì khi kiểm tra chất lượng chỉ đạt 7,3 tuổi là thị trường chấp nhận như một quy ước. Nên những sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải chuyển đổi sang chất lượng mới rất lớn trên thị trường.
Chủ tiệm vàng tại Chợ Hòa Bình (quận 5, TP.HCM), cho biết tiệm cũng đang chuyển đổi dần dần các sản phẩm vàng không đủ tuổi theo quy định của TT22 bằng cách bù lai vàng để tăng tuổi vàng. Tiệm nào chuyển đổi được nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 30% số lượng sản phẩm vàng của mình. Chẳng hạn, tại tiệm có 500 lượng vàng nếu chuyển đổi hết theo quy định mới thì riêng tiền gia công sản phẩm là mất tới cả tỷ đồng, chưa kể việc phải bù tuổi vàng cho đúng quy định thì số tiền bù vào lên tới vài tỷ đồng.
Chủ tiệm vàng trên cũng cho biết thêm, do tiệm lấy các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ từ các cơ sở gia công lớn nên việc chuẩn chất lượng và đo lường phải “chốt” từ đây.
Theo ông Trần Hải, Chánh Văn phòng Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA), TT 22 đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng và cũng giúp DN vàng làm ăn chân chính. Những DN vàng đã làm theo chuẩn rồi thì không khó. Tuy nhiên, vẫn có “khoảng trống” khi thực hiện TT 22. Vì hiện vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện theo quy định mới dù TT 22 từ lúc ban hành tới lúc có hiệu lực là 9 tháng. Về phía cơ quan quản lý chưa tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho DN vàng được biết. Nhưng lỗi cũng do nhiều DN vàng cũng không quan tâm đến các quy định mới ban hành, mặc dù SJA đã tổ chức hội thảo 2-3 lần về TT 22 nhưng có nhiều DN không đến.
Một chuyên gia về vàng cho biết, nếu khách hàng muốn kiểm tra tuổi vàng thì cần đến những nơi có máy phổ quang. Máy này có giá trị trên 30.000 USD nên chỉ có SJC và ACB mới có. Hoặc người tiêu dùng cũng có thể đến Trung tâm Đo lường chất lượng TP.HCM để kiểm tra sản phẩm với mức phí 330.000 đồng/lần.
Máy kiểm định chất lượng sản phẩm thì với giá máy vài tỷ đồng nên không phải DN vàng nào cũng chịu chi. Như vậy, chất lượng thị trường vàng trang sức vẫn bị thả nổi, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình và trông chờ vào TT 22 quyết liệt chấn chỉnh thị trường vàng trang sức.
Đối với những sản phẩm vàng trang sức người tiêu dùng đã mua trước đó, chất lượng đã ghi trên hóa đơn mua hàng nên DN vàng đó sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo