Tin tức - Sự kiện

Mua vé chợ đen khó được lên tàu

Ga kiểm soát chặt là xóa nạn “cò vé” chứ không nhằm gây khó khăn cho hành khách. Cho nên nhiều trường hợp sai thông tin hoặc muốn trả vé thì được hỗ trợ giải quyết.

Nhiều trường hợp mua vé không đúng thông tin họ tên trong giấy CMND đang hỏi nhà ga cách thức xử lý. (Ảnh chụp chiều 10-2) Ảnh: MP

 

Hôm qua (10-2), nhiều người dân đến ga Sài Gòn với tấm vé có thông tin hoàn toàn khác biệt với họ tên và số CMND của mình. Họ không được phía ga chấp nhận cho lên tàu. Nhiều người bảo ga làm khó rồi lý luận: “Đây là tấm vé thật. Việc cho hành khách đi luôn (có đổi CMND, họ tên) thì không làm xáo trộn đến toa tàu, chuyến tàu, số ghế. Vậy việc gì phải kiểm tra vừa làm mất thời gian của hành khách, lại tốn công nhân viên đường sắt”.

Rối vì mua vé chợ đen

Đứng tần ngần tại khu vực kiểm soát vé, ông Phạm Thông Ph. cầm hai chiếc vé chuyến TP.HCM - Vinh đi ngày 14-2 cho biết đã mua vé tàu từ một đại lý ở quận Gò Vấp với giá 1,3 triệu đồng/vé. “Khi mua, tôi có phôtô CMND đưa cho họ nhưng khi nhận vé thì thấy tên tuổi lạ hoắc. Tôi thắc mắc thì họ cam kết đi được, cứ yên tâm. Giờ tôi rất lo là không biết có được đi hay không” - ông tâm sự.

Cùng thời điểm, nhiều hành khách khác cũng rất lo lắng vì rơi vào trường hợp giống ông Ph. Ông T., một trong nhiều người đó, cho hay do không thể xin nghỉ làm để đặt mua vé nên đã nhờ… “cò” và trả công 300.000 đồng/vé. Nay trước thông tin sẽ bị cấm lên tàu, ông phải vội lên đây để nắm tình hình.

“Tôi cũng được “cò vé” tuyên bố “Nếu bị gì thì gọi cho tôi”. Thế nhưng giờ tôi gọi thì họ khóa máy mất tiêu” - một sinh viên đi chuyến TP.HCM - Quảng Ngãi mếu máo.

Chống nạn phe vé, “cò vé”


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn (thuộc Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn), khẳng định: Người đi tàu phải có tên và số CMND trùng với thông tin ghi trên vé. Những trường hợp đi tàu mà thông tin cá nhân trên vé tàu không đúng sẽ không được lên tàu! Đây là một trong nhiều biện pháp để chống nạn cò mồi, phe vé.

Cũng theo ông Văn, việc này đã được quy định trong nhiều dịp tết Nguyên đán trước. Ngoài ra, từ ngày 1-1, quy định này được áp dụng cho cả những chuyến tàu thường. Hầu hết hành khách đã biết quy định này nên số hành khách sai CMND, họ tên dịp này giảm so với các năm.

Linh động giải quyết khi có sai sót thực sự

Tuy vậy, ông Văn cũng cho biết sẽ phân loại từng trường hợp để giải quyết. Chẳng hạn, nếu hành khách có sai một vài số CMND (có thể do thao tác đặt, mua vé chưa chính xác…) sẽ được điều chỉnh thông tin trên vé cho phù hợp. Ngoài ra, người thân trong gia đình, đồng nghiệp có thể nhường vé cho nhau trong trường hợp thay đổi nhu cầu. Khi đó hành khách phải có giấy tờ chứng minh (hộ khẩu, thẻ công tác…) và nên đến ga Sài Gòn sớm để điều chỉnh thông tin trên vé tàu, tránh đến khi tàu gần khởi hành mới đến sẽ bị cập rập, dễ bị trễ tàu.

“Điều chúng tôi mong muốn là xóa nạn “cò vé” chứ không nhằm gây khó khăn cho hành khách. Cho nên nhiều trường hợp sai thông tin hoặc muốn trả vé thì được hỗ trợ giải quyết mà không mất phí khi trả vé (từ ngày 27-1 đến 4-2). Trường hợp vé không “chính chủ” mới bị thu phí 10%. Nhưng từ ngày 12 đến 17-2, nếu vé không “chính chủ” khi trả vé bị thu đến 30%. Các vé này khi trả sẽ chuyển về kho vé của hệ thống bán vé điện tử nên chưa chắc người trả mua lại được vé” - ông Văn thông tin.

Ông Nguyễn Văn Dung, hành khách tàu TN22 hôm 10-2, nhắn nhủ: “Tôi tán thành việc thắt chặt kiểm soát vé, qua đó nhằm từng bước dẹp nạn “cò vé”. Như vậy các tấm vé mới đến được tay người có nhu cầu thật sự được. Tuy nhiên, ngành đường sắt cần cải tiến mạnh mẽ hơn về nhiều mặt, đặc biệt việc tổ chức bán vé phải thật sự công khai, minh bạch với sự tiện lợi, dễ dàng cho người dân tiếp cận, đặt-mua vé”.

Theo Pháp luật TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo