Mức án đề nghị với 51 bị cáo vụ OceanBank, triệt phá đường dây rút ruột xăng dầu
Triệt phá đường dây rút ruột xăng dầu quy mô lớn ở Sài Gòn
Ngày 17/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TPHCM cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Nhà Bè bắt quả tang 13 đối tượng có hành vi rút trộm xăng dầu.
Từ sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, UBND TPHCM giao cho Công an TPHCM kiểm tra, theo dõi, làm rõ thực trạng trộm cắp xăng dầu máy bay xảy ra ở khu vực xung quanh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, theo TTXVN.
Sau gần 2 tháng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 15/9, lực lượng chức năng đồng loạt bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan.
Cụ thể, chiều 15/9, hàng chục trinh sát của PC45 phối hợp với Công an huyện Nhà Bè bất ngờ đột kích vào 3 địa điểm gần Kho A, Kho B và Kho C của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, bắt quả tang 3 tài xế xe bồn cùng nhiều đối tượng đang có hành vi rút ruột xăng dầu.
Tại trước nhà số 33 Đặng Nhữ Lân (thị trấn Nhà Bè), Ngô Thị Thanh Huỳnh (47 tuổi), đối tượng cầm đầu, cũng là “thầu” tiêu thụ dầu trộm điều hành đàn em trộm dầu. Tài xế Lê Anh Tuấn (31 tuổi) chạy xe BKS 51C-544.64, sau khi nhận 25.000 lít xăng máy bay từ Kho A chạy đến địa điểm trên thì dừng.
Ngay lập tức Trần Văn Thành (46 tuổi) cùng phụ xế Nhan Tấn Trí (34 tuổi) nhanh tay rút ruột xăng đến can thứ 19 thì bị bắt quả tang. Các đối tượng khai, nếu không bị bắt, chúng sẽ rút thêm 25 can loại 30 lít và 5 can loại 10 lít nữa. Đối tượng Ngô Thị Thanh Huỳnh đưa cho tài xế 240.000 đồng/can 30 lít nhưng bán ra được 270.000 đồng/can.
Cùng thời điểm trên, khoảng 13h30’ ngày 15/9, tại cống Ba Bọng (nằm trên đường Dương Cát Lợi, khu phố 4, thị trấn Nhà Bè), lực lượng phối hợp đã bắt quả tang 5 đối tượng đang trộm cắp và tiêu thụ xăng dầu. Nguyễn Minh Trí (45 tuổi) cầm đầu đường dây này móc nối cùng tài xế Phạm Trí Hùng chạy xe bồn loại 25.000 lít chở xăng máy bay JET A1 từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi Hùng dừng xe, Trí chỉ đạo Lê Thanh Sơn (43 tuổi) tiến hành mở niêm chì, rút xăng mang đi tiêu thụ. Mỗi can xăng 30 lít rút được, Trí trả cho tài xế 240.000 đồng, mang bán lại với giá 265.000 đồng, hưởng chênh lệch chia nhau với đồng bọn.
Tại thời điểm bắt quả tang, có 14 can loại 30 lít, 63 can loại 30 lít rỗng, 2 phễu nhựa, 6 thùng sơn rỗng, 15 phiếu biên nhận, 13 lệnh xuất kho và 2 mẫu tích kê. Nếu tính phi vụ ngày 15/9 hoàn thành, các đối tượng trộm sẽ “rút ruột” đến 2.310 lít xăng, mang bán được 20,4 triệu đồng, trong đó tài xế kiếm được gần 18,5 triệu đồng.
Nhóm thứ 3 cũng bị bắt cùng thời điểm do Vũ Thị Thu Nguyệt (43 tuổi) cầm đầu. Địa điểm rút ruột tại số 24/3, đường Đào Tông Nguyên (thị trấn Nhà Bè) do 5 đối tượng thực hiện. Tuy nhiên, do xe này chỉ chở 17.000 lít xăng dầu (xăng A92 và dầu DO) nên Nguyệt chỉ đạo chỉ “rút ruột” 11 can loại 30 lít, đang chuẩn bị mang đi tiêu thụ thì bị bắt,
Hơn 400 tỷ "biến mất" tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng
Ngày 17/9, OceanBank cho biết, thông qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và điều chuyển cán bộ trụ sở chính về hỗ trợ Chi nhánh trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham dự phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm từ ngày 25/8/2017, OceanBank đã phát hiện dấu hiệu vi phạm tại OceanBank – Chi nhánh Hải Phòng về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm: thông tin trên Thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi và số tiền gửi.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Chi – nguyên Giám đốc Chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ - nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng – nguyên Kiểm soát viên kế toán không đến chi nhánh làm việc, mặc dù đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần mà không được.
Nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, OceanBank đã có văn bản tố giác tội phạm tới Bộ Công an; văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đại Dương và các Cơ quan chức năng; Đồng thời, thành lập đoàn công tác hỗ trợ nghiệp vụ, bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt đông kinh doanh của Chi nhánh Hải Phòng;
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trần Thị Kim Chi cùng đông bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh OceanBank Hải Phòng để điều tra làm rõ.
Đến ngày 15/9, một số người có Thẻ tiết kiệm có số tiền chênh lệch ghi trên Thẻ tiết kiệm với số tiền theo dõi hạch toán trên hệ thống corebanking và Thẻ tiết kiệm không có tên khách hàng/không có hạch toán trong hệ thống corebanking của OceanBank. Qua xác minh ban đầu, sự viện gian dối này bắt đầu phát sinh từ năm 2012.
Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu hệ thống của các giao dịch liên quan đến vụ án cho đến khi có quyết định của cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác có thẩm quyền; Tạm dừng giao dịch những Thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả.
Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ba cán bộ tại chi nhánh OceanBank Hải Phòng để điều tra hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong các bị can có nữ giám đốc chi nhánh Trần Thị Kim Chi, theo tin tức trên báo VnExpress.
Đầu tháng 9, 17 khách hàng có đơn tố cáo, kêu gửi tới các cơ quan chức năng tố cáo chi nhánh ngân hàng này đang thoái thác trách nhiệm, nhằm chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của họ.
Nội dung đơn thể hiện, năm 2012, 17 người gửi tổng cộng hơn 400 tỷ đồng đến OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu để gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm từ ngân hàng, các khách hàng đã kiểm tra đối chiếu số tiền ghi trước khi mang về nhà cất giữ.
Sau năm năm, ngày 4-5 tháng 9/2017, những người này đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống. Sau ba lần đến yêu cầu lãnh đạo OceanBank trả lời rõ nhưng không thành, cùng lúc cho rằng bà Kim Chi và hai cán bộ dưới quyền đã bỏ trốn nên họ làm đơn tố cáo.
Mức án đề nghị đối với 51 bị cáo vụ án OceanBank
Sáng 14/9, Viện Kiểm sát đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo, đề nghị cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị đề nghị án chung thân, theo báo Infonet.
VKS cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Bùi Văn Hải, Trưởng ban Kiểm soát OceanBank.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank bị Viện kiểm sát đề nghị từ 16-18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, phạt tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, phạt Tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung là Tử hình.
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank bị đề nghị từ 19-20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Hà Văn Thắm phải chấp hành hình phạt chung là Chung thân.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Phó TGĐ OceanBank bị đề nghị từ 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 10-12 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Minh Thu phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 24-27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó TGĐ OceanBank bị đề nghị tổng hợp hình phạt chung là 20-24 năm tù.
Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng bị đề nghị từ 16-17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. .
Bị cáo Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng Đại Tín bị đề nghi từ 17-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Trần Văn Bình, nguyên lái xe kiêm TGĐ Công ty Trung Dung bị đề nghị 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Các Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch bị đề nghị 36-42 tháng tù về tội cố ý làm trái, hoặc 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo gồm: Trịnh Xuân Hà, Hoàng Phương Nga, Nguyễn Văn Chai: 24 – 30 tháng tù treo, hoặc 18 – 24 tháng treo.
Bắt thêm 1 cán bộ hải quan liên quan đến vụ 213 container "mất tích
Ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lê Vũ Nam (công chức hải quan thuộc Đội Văn phòng, Chi cục Hải quan khu vực II, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra hành vi "buôn lậu".
Trước đó, Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lâm (Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1) và ông Trần Thanh Tùng (công chức Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh; trước đó ông Tùng làm việc tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1). Những cán bộ hải quan này được xác định liên quan vụ "biết mất" của 213 container hàng tạm nhập tái xuất, báo TTXVN đưa tin.
Tổng cục Hải quan trước đó phát hiện giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái, trung chuyển bằng đường bộ xuất đi Campuchia. Tuy nhiên, số container này sau đó được các doanh nghiệp đem đi khỏi cảng nhưng không có hồ sơ xuất, theo quy định. Qua xác minh, toàn bộ 56 doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký.
Theo Tổng cục Hải quan, các công chức trên đã lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao, cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành Hải quan, tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ tại Việt Nam. Các cán bộ này biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý theo quy định của Tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm việc với nhiều cán bộ, công chức hải quan khác có liên quan tới 213 container hàng "biến mất", mở rộng điều tra vụ án.
Cán bộ ngân hàng HSBC nâng khống tiền rách, trộm hơn 4,9 tỷ đồng
Ngày 14/9, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Hồ Thị Cẩm Loan (sinh năm 1983, ngụ quận Gò Vấp) 11 năm tù với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo tin tức trên báo Dân trí.
Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam (viết tắt là HSBC) là doanh nghiệpcó 100% vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bị cáo Loan được HSBC tuyển dụng làm chuyên viên kiểm soát giao dịch và ngân quỹ tại Phòng giao dịch Cộng Hòa (Trưởng bộ phận ngân quỹ).
Nhiệm vụ của Loan là phụ trách toàn bộ các hoạt động về bảo quản tiền mặt, quản lý thu, chi, chứng từ thu, chi của Phòng giao dịch Cộng Hòa.
Lợi dụng nhiệm vụ quản lý tiền mặt, Loan nhận thấy có sơ hở trong công tác theo dõi, quản lý, báo cáo quỹ tiền mặt tại Phòng giao dịch Cộng Hòa. Do đó, từ ngày 19/9/2013 đến ngày 19/5/2015, đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để chiếm đoạt gần 4,9 tỷ đồng của Phòng giao dịch Cộng Hòa.
Để hợp thức hóa số tiền rút ra khỏi ngân hàng, Loan dùng chiêu kê khai, nâng khống số lượng tiền rách rồi chiếm đoạt. Theo đó, cứ cuối ngày Loan kê khai tiền rách phát sinh trong ngày, rồi lấy số tiền đã kê khống là rách mang về. Tổng số tiền Loan chiếm đoạt được từ thủ đoạn này lên tới 300 triệu đồng.
Tiếp đó, Loan kê khai tổng tiền của từng mệnh giá chênh lệch với tổng số tiền tồn quỹ được ghi trên sổ quỹ, rồi tự ý rút tiền từ các bó tiền còn niêm phong, chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng và dùng thủ đoạn kê khai tồn quỹ trên sổ quỹ thấp hơn kê khai tồn quỹ thực tế báo cáo về hội sở của HSBC, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Để tránh bị phát hiện, Loan thường chọn thời điểm vào lúc nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều trước khi đưa tiền vào kho để thực hiện hành vi. Mỗi lần trộm tiền thành công, Loan giấu vào người, đi đến khu vực để đồ dùng cá nhân, bỏ tiền vào túi xách của mình, đến hết giờ làm thì mang về nhà.
Theo lời khai của cựu thủ quỹ, số tiền này chị ta dùng tiêu xài cá nhân, cho người thân du học nước ngoài, chữa bệnh... Khi vụ việc bị phát hiện, Loan đã phải bán nhà, nộp trả lại cơ quan gần 1,3 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo