Quốc tế

Mục đích ẩn sau quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ

(DNVN) - Hội đồng an ninh quốc gia (MGK) của Thổ Nhĩ Kỳ vừa kêu gọi gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt kể từ sau âm mưu đảo chính ngày 15/7.

Động thái này được cho là để tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nước này bắt giữ 32.000 nghi phạm trong một cuộc truy quét chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia (MGK) cho rằng tình trạng khẩn cấp cần được kéo dài nhằm giúp đảm bảo cho việc "bảo vệ nền dân chủ, luật pháp và tự do cho công dân đất nước".

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết kéo dài tình trạng khẩn cấp sau đảo chính.

Chính quyền ông Erdogan cho rằng biện pháp trên là cần thiết nhằm đối phó những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ và là người bị quy trách nhiệm đứng sau âm mưu đảo chính bất thành.

Hôm 20/7, Tổng thống Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, chưa đầy 1 tuần sau âm mưu đảo chính thất bại. Lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến sẽ hết hạn vào giữa tháng 10 tới. 

Lệnh tình trạng khẩn cấp đã tạo một bộ khung pháp lý giúp Ankara tiến hành chiến dịch truy quét lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.  Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho biết đã có 70.000 người bị thẩm vấn sau âm mưu đảo chính bất thành, 32.000 người trong số đó đã bị bắt giam.

Ông Bozdag cũng nói rằng sẽ có thêm nhiều trường hợp nữa bị bắt giữ trong thời gian tới. Phiên tòa xử hàng chục ngàn người sẽ trở thành phiên xét xử lớn nhất trong lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, ngày 27/9, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giữ thêm 121 người trong cuộc điều tra đang diễn ra liên quan tới vụ đảo chính.

 

Được biết, trong số những người bị bắt lần này có các lãnh đạo của một quỹ từ thiện có quan hệ với phong trào của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.  Hiện cảnh sát đang triển khai các chiến dịch truy bắt những đối tượng mới này tại 18 thành phố.

Nên đọc


Tùng Bách (Theo RIA Novosti)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo