Báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Luật Quản lý thuế, Chính phủ lo ngại một số khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo báo cáo, đến 30/9/2013, tổng số người nộp thuế đang hoạt động trên cả nước được cấp mã số thuế là 39.63.957 trong đó doanh nghiệp và tổ chức là 659.422; hộ kinh doanh là 1.822.834; cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân là 19.807.324 và cá nhân nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 17.344.377.
Một trong những nội dung quan trọng của Luật Quản lý thuế thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế. Chính phủ cho hay, từ 2007-2012 và 9 tháng năm 2013 đã thực hiện 271.621 cuộc thanh kiểm tra và 9.482.156 hồ sơ. Tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt qua thanh kiểm tra là 53.003.367 triệu đồng.
Trong quản lý nợ thuế, báo cáo nêu thực tế từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 đến nay, nợ thuế có xu hướng gia tăng với nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, bỏ trốn. Cụ thể, 9 tháng năm 2013 có 16.303 doanh nghiệp giải thể, 43.437 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 18.737 doanh nghiệp bỏ trốn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động nhưng xin gia hạn, khất nợ và không tính phạt. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng khoán, xây dựng không có nguồn thanh toán nợ thuế do thị trường trầm lắng, giao dịch thấp. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi để cố tình nợ thuế.
Việc Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 được Chính phủ nhìn nhận sẽ góp phần khắc phục các hạn chế và phát huy hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, có thể lường trước được khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp. Đó là quy định nâng mức tiền chậm nộp lên 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày (còn trong khoảng thời gian 90 ngày thì mức tiền chậm nộp là 0,05%/ngày; tương đương mức phạt chậm nộp quy định trong Luật Quản lý thuế trước khi sửa đổi).
Theo báo cáo, nội dung sửa đổi quy định về mức tiền chậm nộp lũy tiến này được đưa ra trong bối cảnh lãi suất ngân hàng là khá cao tại thời điểm đề xuất. Khi đó Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến đề nghị không nên điều chỉnh mức lãi chậm nộp tiền thuế do lường trước khả năng lãi suất ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm. Nhưng, cũng có những ý kiến cho rằng cần thiết phải nâng cao kỷ cương trong lĩnh vực quản lý thuế thông qua việc nâng cao chế tài xử lý đối với các trường hợp nợ đọng tiền thuế. Vì vậy Quốc hội đã thông qua dự luật theo hướng quy định mức tiền chậm nộp lũy tiến nêu trên.
Trong bối cảnh hiện nay với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể thì tính bình quân mức tiền chậm nộp tiền thuế gấp gần ba lần mức lãi suất ngân hàng. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, mức phạt chậm nộp thuế có thể sẽ vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, báo cáo đưa ra quan ngại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, người thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo cho rằng, điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng nợ đọng thuế. Vấn đề này có thể cần được tiếp tục đánh giá cụ thể hơn trong thời gian tới để cân nhắc có hướng xử lý phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận.
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đề nghị tăng thêm quyền hạn xử lý, điều tra cho cơ quan quản lý thuế nhằm phát hiện kịp thời các hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế để thu đủ tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước, bảo đảm công bằng về nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Vì hiện nay các phương thức, thủ đoạn trốn lậu thuế, gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tội phạm về thuế ngày càng gia tăng.
Nội dung điều tra thuế theo kiến nghị là điều tra ban đầu đối với các trường hợp, hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ, tang vật, chứng cứ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật.
VnEconomy