Mức tăng học phí đại học có thể lên đến 50 triệu/năm: Oằn gánh lo toan
Tự chủ là xu thế tất yếu
Bộ Giáo dục - Đào tạo hiện đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục Đại học công lập. Tự chủ đại học hướng đến các đại học tự chủ công tác tuyển sinh, mở/đóng các khoa, các chuyên ngành, đảm bảo chất lượng giáo dục dưới sự giám sát của Bộ và đặc biệt là tự chủ về kinh tế, không còn nhận sự “bao cấp” từ Nhà nước như trước đây.
Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị). Dự kiến có các mức học phí khác nhau tùy từng loại hình tự chủ tài chính. Trong đó, với loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên, dự kiến học phí sinh viên phải đóng sẽ tương đương mức học phí các trường đã được Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Cụ thể, ở năm học 2020 - 2021 học phí mỗi tháng sẽ từ 2,05 - 5,05 triệu đồng/sinh viên (tùy nhóm ngành đào tạo). Tính theo năm học (10 tháng) sẽ tương đương 20,5 - 50,5 triệu đồng/sinh viên. Mức học phí này cũng được áp dụng chung cho loại hình trường tự chủ tài chính tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức thu được thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.
Như vậy, so với mức học phí dành cho các trường chưa tự chủ tài chính ở cùng thời điểm năm học 2020 - 2021, học phí trường tự chủ cao gấp 2 đến 3,5 lần. Còn so với học phí trường ĐH công lập chưa tự chủ hiện nay, học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.
Tính đến tháng 9 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 trường công lập. Nhưng đến khi đánh giá kết quả thí điểm tự chủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đánh giá tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nỗi lo khi tăng học phí
Một trong những điều được người dân quan tâm nhất đó là vấn đề trường tăng học phí khi đã tự chủ. Mức học phí tăng cao được xem là gánh nặng, đặc biệt đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều con em người dân lao động, nông dân, người dân tộc thiểu số coi đại học là một cơ hội đổi đời. Vậy nên, mức tăng học phí lớn như thế này thực sự là một gánh nặng đối với các em.
Với giá thóc trung bình hiện giờ là 8.000đ/kg, một gia đình có con theo học đại học giờ mỗi năm sẽ phải bán thêm từ 2 đến hơn 6 tấn thóc để đóng đủ học phí! Và mức tăng học phí đại học này cũng bằng đúng thu nhập trung bình đầu người của Việt Nam trong năm 2016 là 50 triệu đồng!
Những con số gây sốc trên chỉ ra một bất cập lớn. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến cơ hội đi học của rất nhiều học sinh khó khăn. Thậm chí sẽ có em phải bỏ học giữa chừng vì không kham nổi mức học phí.
Trước thông tin tự chủ đại học rất có thể làm tăng học phí lến đến 20-50 triệu đồng một năm, nhiều phụ huynh và sinh viên không khỏi tỏ ra lo lắng. Bác Phạm Thị Minh, người có cô con gái út có nguyện vọng học Đại học Ngoại thương cho biết: “Con học được thì tốt cho con, nhưng cũng rất lo lắng khi nuôi con ăn học chỉ với đồng lương về hưu của hai vợ chồng công chức”.
Bạn Nguyễn Văn Khánh (18 tuổi, tân sinh viên Đại học Bách khoa) cho biết: “Dù gia đình em cũng đủ để nuôi em ăn học, song với mức học phí tăng cao em sẽ càng cần phải cố gắng hơn nữa để không phải học lại. Em mong là việc trường được tự chủ, tăng học phí sẽ có nguồn tiền cải tạo lại hệ thống cơ sở vật chất hiện giờ và tăng chất lượng giảng dạy lên xứng đáng”.
Bạn Nguyễn Ngọc Hoàng Mai (18 tuổi, tân sinh viên trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Mức học phí cao làm em cảm thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập”. Mai cũng cho biết, bạn đã đi làm thêm ngoài giờ học để có thêm chi tiêu, phụ đỡ bố mẹ.
Trước vấn đề này, các trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn rõ hơn về việc quyết định các mức chi (cao hay thấp hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước) phù hợp điều kiện cụ thể của các trường; cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên, đồng thời thông báo về lộ trình tăng học phí với sinh viên ngay từ khi nhập học…
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng đây là thách thức với các trường ĐH khi tăng học phí.
“Những đối tượng theo chính sách được miễn giảm học phí là đương nhiên. Nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn một chút, chưa phải mức độ hộ nghèo, nếu vẫn giữ vững được kết quả học tập tốt thì nhà trường sẽ xem xét để cấp học bổng dưới dạng 50%, 70% hoặc 100%. Còn những học sinh giỏi xuất sắc, nếu không thuộc diện đối tượng được ưu tiên thì sẽ có một phần thưởng xứng đáng chứ không cấp học bổng như hiện nay”, ông Sơn cho biết. Ông Sơn cũng mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn vay vốn cho sinh viên những trường thực hiện đề án tự chủ.
Cơ sở của việc tự chủ, tăng học phí đó là lâu nay kinh phí đào tạo được Nhà nước hỗ trợ một phần. Và khi kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước không còn nữa, để đảm bảo đào tạo được, cần có sự góp sức từ phía người học. Mức học phí khi thực hiện tự chủ được xây dựng trên cơ sở nghị định 86, cân đối các khoản chi cho đào tạo, và một phần chi phí đầu tư, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, khi các trường thực hiện tăng học phí sẽ gây khó khăn lớn cho đông đảo người dân có thu nhập thấp có con học đại học. Bên cạnh đó, tăng học phí có đi đôi với nâng cao chất lượng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo