Mừng hụt với những dự án tỷ đôla
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25 năm qua chưa bằng nửa số đã đăng ký. Có những dự án cam kết tỷ đôla nhưng bị thu hồi do chủ đầu tư không đủ lực triển khai.
Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm, cả nước thu hút được 8,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 17% so với cùng kỳ và bằng gần 65% tổng FDI thu hút được của cả năm 2012. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vốn đăng ký tăng cũng chưa thể phản ánh đúng thực chất về thu hút đầu tư nước ngoài mà còn có thể tạo tâm lý "mừng hụt".
"Tôi không quan tâm đến vốn FDI đăng ký, đây chỉ phản ánh xu thế", Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói.
Báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài trong hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI cho hay, tổng vốn FDI đăng ký là 211 tỷ USD nhưng giải ngân thực tế chỉ đạt gần 98 tỷ USD, bằng 47% vốn đăng ký.
"Thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có lời nhận xét tại tại hội nghị.
Giải ngân vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Nguồn: FIA
Vì thực thi cam kết chậm chạp, ngày càng nhiều dự án nước ngoài bị địa phương thu hồi. Tháng 4 này, tỉnh Bình Định "dọa" sẽ thu hồi dự án Hòn Ngọc Việt Nam 125 triệu USD do Công ty cổ phần Phát triển du lịch ALT (Nga) làm chủ đầu tư vì hơn 2 năm mà chưa thực hiện. Một loạt siêu dự án trước đó cũng bị thu hồi như Thép Cà Ná 9,8 tỷ USD ở Ninh Thuận; Thành phố Sáng tạo 11,4 tỷ USD ở Phú Yên hay như dự án Bãi Biển Rồng 4 tỷ USD ở tỉnh Quảng Nam...
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, các dự án FDI thực thi không đúng thời hạn là do chủ đầu tư đưa ra một dự án lớn nhưng không tìm đủ vốn triển khai hoặc họ chỉ vào để "xí chỗ" chứ không nghiêm túc.
"Cam kết đầu tư giống như một lời hứa, có những người hứa gì làm nấy, nhưng cũng có người hứa nhiều thì làm ít", ông Lê Đăng Doanh phát biểu. Đồng quan điểm với GS Nguyễn Mại, ông cũng cho rằng nên coi trọng vốn giải ngân hơn là vốn cam kết.
Bên cạnh nguyên nhân từ phía chủ đầu tư, dự án FDI chậm trễ triển khai cũng do phía tỉnh thành không bàn giao được mặt bằng đúng hạn, hoặc không thực hiện đủ các cam kết ưu đãi đã đưa ra. "Nhà đầu tư cam kết vốn tỷ USD chưa chắc là vui, vì hôm nay họ đến chờ không được thì sẽ đi nơi khác", Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề "cam kết rồi không thực hiện", GS Nguyễn Mại cũng đặt vấn đề "thực chất các dự án FDI đang đóng góp bao nhiêu?".
Đại gia CocaCola mục tiêu đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam, tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, chưa đóng một đồng thuế nào với lý do "thua lỗ". Hay như Samsung Electronic Việt Nam (SEV) trong 2 tháng đầu năm 2013 nộp được 429 triệu đồng tiền thuế, trong khi dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt khoảng 30 tỷ USD.
Ngoài ra, ông cũng lo ngại việc việc thu hút ồ ạt vốn FDI mà không chú ý đến nhu cầu trong nước. Hiện sự chú ý đổ dồn về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD tại Bình Định do Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất triển khai. Mới ở giai đoạn báo cáo tiền khả thi, nhưng dự án này đã vấp phải ý kiến phản đối của Tập đoàn dầu khi Việt Nam (PVN) vì sẽ gây ra "mất cân bằng cung cầu", bởi hiện chỉ lọc dầu Dung Quất đã đủ đáp ứng 50% nhu cầu trong nước, không kể thời gian tới có thêm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Các chuyên gia khuyến nghị lãnh đạo các địa phương nên cẩn trọng trong thu hút đầu tư, để vừa có nhiều dự án nhưng vẫn đảm bảo về chất. Sự cạnh tranh của 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài hiện rất gay gắt vì nếu đem về càng nhiều dự án sẽ khiến GDP tỉnh đó cao hơn, tạo được việc làm và lãnh đạo cũng được đánh giá năng động, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua những yếu tố quan trọng trong xét duyệt đầu tư, đánh giá tác động môi trường, một chuyên gia trong ngành nói.
Đồng thời, thủ tục đầu tư cũng cần phải cải cách để thu hút được những nhà đầu tư nghiêm túc. Tại hội nghị tổng kết 25 năm, Thủ tướng đã nhấn mạnh "Thực tế cho thấy còn nhiều điều phải cải cách. Nếu vẫn thế này, dự án nào Thủ tướng cũng phải ngồi xử lý trực tiếp thì e cạnh tranh không kịp".
Công Duy
Theo Vnexpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo