Muốn lãi to, ngân hàng phải “cắt”… dự phòng
Đây là động thái khá bất ngờ trong bối cảnh số đông các NH đang chấp nhận hy sinh lợi nhuận nhằm phòng ngừa nguy cơ nợ xấu có thể thổi bùng trong thời gian ngắn.
Lãi tăng khi dự phòng giảm
Dù tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức xấp xỉ 3% và thấp hơn nhiều mức tăng chung của toàn ngành, các chỉ tiêu kết quả kinh doanh vừa được VietinBank công bố tại đại hội cổ đông bất thường hôm 24.7 cho thấy, ngân hàng vẫn đạt được con số lợi nhuận trước thuế tới 4.076,8 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương 55% kế hoạch năm. Con số này tuy giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng theo đánh giá của giới tài chính, kết quả này khá khả quan xét trong tương quan tăng trưởng tín dụng đạt thấp so với mặt bằng chung của ngành.
Song để có được con số lợi nhuận trên đấy, giới tài chính cho rằng động lực thúc đẩy lợi nhuận của VietinBank nhiều khả năng vẫn tiếp tục đến từ việc cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. Đặc biệt khi khi nhìn vào tỉ lệ dự phòng chỉ được trích ở mức thấp so với tổng dư nợ, nhiều đánh giá bày tỏ một số quan ngại nhất định đối với chất lượng tài sản của Vietinbank. Cần nhắc lại rằng, chính nhờ khoản dự phòng rủi ro giảm tới 23,8%, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong quý I/2014 mới đạt 1.458 tỉ đồng và cũng nhờ đó, VietinBank có được mức lãi 1.140 tỉ đồng sau thuế.
Lạ lùng giảm dự phòng
Điều trái khoáy là, mức giảm dự phòng rủi ro của VietinBank lại hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng của tỉ lệ nợ xấu trong hai quý liên tiếp của ngân hàng này. Sau 6 tháng, tỉ lệ nợ xấu của VietinBank (theo số liệu công bố của một tổ chức đầu tư) tiếp tục tăng lên con số 2,03% tổng dư nợ sau khi tăng từ mức 0,82% thời điểm cuối năm 2013 lên 1,78% vào ngày 31.3.2014. Ở con số tuyệt đối, tỉ lệ nợ xấu của VietinBank tăng từ 0,82% cuối năm 2013 lên 1,78% vào ngày 31.3.2014 tương ứng với mức tăng tới 2.535 tỉ đồng nợ xấu nhóm nợ 3, 4 và 5 chỉ sau 3 tháng đầu năm. Đây là mức tăng rất lớn, tương đương tới 67,2% và theo đó đưa tổng nợ xấu của VietinBank vào cuối quý I lên 6.305 tỉ đồng.
Dù mức tăng nợ xấu đến từ việc ngân hàng áp dụng cách phân loại nợ mới theo Thông tư 09 từ ngày 1.6.2014, động thái giảm dự phòng của VietinBank trong bối cảnh tỉ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên trong quý thứ hai liên tiếp gây nhiều bất ngờ cho thị trường. Diễn biến này trái ngược với xu hướng tăng trích lập nhằm đề phòng rủi ro nợ xấu tăng lên khi áp dụng cách phân loại nợ mới tại số đông các ngân hàng. Như với DongABank, chỉ riêng trong quý I/2014, ngân hàng này tiếp tục trích lập thêm 100 tỉ đồng dù tổng quỹ dự phòng chưa sử dụng đến cuối năm ngoái vẫn còn tới hơn 930 tỉ đồng. Đây cũng là ngân hàng khá “điển hình” khi lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 989 tỉ đồng xuống chỉ còn 439 tỉ đồng sau khi trích lập dự phòng.
Dù khá buốt ruột khi phải chứng kiến mức trích lập dự phòng đang bào mòn lợi nhuận ngân hàng vốn ngày càng ít ỏi cũng như sự “trách cứ” của số đông cổ đông, các ông chủ ngân hàng có thể thở phào với tỉ lệ dự phòng trên nợ xấu càng cao càng tốt, bởi sớm muộn khi Thông tư 02 được áp dụng đầy đủ vào năm 2015, bộ mặt thật của nợ xấu ngân hàng mới thực sự được phơi bày.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo