Muốn nội địa hóa ôtô Việt, hãy "học tập" Thaco, Vinfast
Ngày 12/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo – Triển lãm Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh.
Số liệu được đưa ra tại Hội thảo cho thấy, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014.
Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội cùng các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và các doanh nghiệp FDI đã trao đổi thẳng thắn và tâm huyết để giải bài toán nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ôtô.
Ông Phan Đăng Tuất - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Khi nhận thức được như thế thì chúng ta mới có các chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô vô cùng lớn.
Trong khi đó, trước những vấn đề về chính sách thuế được các đại biểu đưa ra, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, không nên nói chung chung về vấn đề yêu cầu giảm thuế vì giảm thuế hay các chính sách thuế nói chung đều phải phù hợp với các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế, cái quan trọng là các doanh nghiệp hãy giống như Thaco, Vinfast… trăn trở vấn đề làm thế nào nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng sản lượng.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết, xuất hướng là một trong những hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp này.
Theo đó, trong năm 2018, Thaco sẽ xuất khẩu mạnh dòng xe khách, còn linh kiện ô tô, Công ty đã xuất khẩu từ những năm trước, hiện đã xuất sang khoảng 10 nước. Thời gian tới, Thaco sẽ tổ chức tour du lịch công nghiệp để tất cả mọi người có thể trực tiếp đến thăm các nhà máy của Thaco, trực tiếp nhìn thấy quá trình sản xuất, kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn rất khắt khe, từ đó đặt niềm tin vào các sản phẩm mình lựa chọn.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ôtô.
Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Bởi, chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, từ đó là động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên.
"Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các Tập đoàn, Tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ hai tiêu chí: lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô nước nhà".
Theo ông Hải, để phát triển ngành công nghiệp ôtô và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô, Cục Công nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Một là, làm đầu mối thành lập Tổ công tác liên ngành để đánh giá việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch ô tô. Trên cơ sở kết quả làm việc của Tổ công tác, Cục Công nghiệp đã đề xuất các nhóm giải pháp phát triển ngành sau: Tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước; Tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước với một số các sản phẩm ôtô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp; Thu hút đầu tư FDI: thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam.
Hai là, xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Công nghiệp đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô nhằm quy định điều kiện cụ thể về ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô qua đó đảm bảo thị trường ô tô phát triển bền vững, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và an toàn môi trường. Cuối tháng 5/2017, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 4792/Ttr-BCT trình Chính phủ dự thảo Nghị định này để xem xét, phê duyệt.
Ba là, nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước. Để khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị nghiên cứu, áp dụng biện pháp chống gian lận thương mại để hạn chế việc xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng bất thường gây tác động bất lợi đến sản xuất trong nước.
Cuối cùng là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ôtô.
End of content
Không có tin nào tiếp theo