Mỹ bàn giao 8 chiếc F-16 cho Pakistan, Ấn Độ "đứng ngồi không yên"
Tin tức trên báo Vietnamplus, Chính phủ Mỹ ngày 12/2 thông báo đã phê chuẩn thương vụ bán cho Pakistan 8 chiến đấu cơ F-16 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất theo một hợp đồng với tổng giá trị 699 triệu USD.
Các chiến đấu cơ trên được trang bị hệ thống radar hiện đại và các khí tài khác. Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo với các nghị sỹ Quốc hội Mỹ về thương vụ bán vũ khí trên hôm 11/2, đồng thời nhấn mạnh hợp đồng này sẽ giúp cải thiện năng lực của Pakistan trong việc đối phó với các thách thức an ninh hiện nay và trong tương lai.
Thương vụ trên được xem là một phần trong nỗ lực củng cố và thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Pakistan mặc dù Washington vẫn còn quan ngại về tốc độ gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Islamabad.
Trong khi đó, Ấn Độ tỏ vẻ thất vọng với quyết định này của Hoa Kỳ. "Chúng tôi không nhất trí với lý do rằng, việc bán vũ khí cho Pakistan có thể giúp nước này chống lại khủng bố", Vikas Swarup, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ viết trên Twitter. Báo Giáo dục Việt Nam thông tin.
Theo hãng tin Bloomberg ngày 13/2, Ấn Độ đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này đến để truyền đạt thông điệp không hài lòng, phản đối quyết định của Mỹ bán F-16 cho Pakistan.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đã thông báo với chính quyền Obama rằng, ông sẽ không chấp nhận sử dụng tiền Pakistan vay của Mỹ để trả cho 8 chiếc F-16. Điều đó có nghĩa là Pakistan muốn có 8 chiếc F-16 họ phải bỏ tiền túi ra chứ không thể dựa vào chương trình viện trợ quân sự nước ngoài (FMF) của Mỹ.
Trong khi với nguồn ngân sách quốc phòng hiện tại, Pakistan chỉ có thể mua tối đa 4 chiếc F-16 cùng các phụ tùng, thiết bị liên quan.
Corker nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, ông lo ngại mối quan hệ giữa Pakistan với mạng lưới Haqqani, một nhóm chiến binh mà Mỹ tin là thủ phạm đứng sau các cuộc tấn công ở Afghanistan. Một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Obama đã bị thuyết phục rằng F-16 sẽ giúp Pakistan chống khủng bố, chống bạo loạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo