Quốc tế

Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ buộc Nga phải "can dự"

Theo giới quân sự, việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ leo thang và sẽ buộc các lực lượng thường trực của Nga can dự để duy trì an ninh khu vực.

Như tin tức đã đưa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 24/8 nhân chuyến thăm Kiev, cho biết, Washington đang cân nhắc phương án cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, theo tin tức trên báo Đất Việt.

“Tôi muốn nói rằng, liên quan tới vấn đề vũ khí phòng vệ sát thương, chúng tôi đang tích cực xem xét vấn đề đó”, RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong khuôn khổ chuyến thăm của ông chủ Lầu Năm Góc tới thủ đô Kiev hôm nay 24/8.

Bộ trưởng Mattis cho biết Mỹ gần đây đã quyết định cung cấp cho Ukraine lô thiết bị trị giá hơn 175 triệu USD.

“Cách đây vài tuần, chúng tôi vừa mới đồng ý cấp lô thiết bị trị giá 175 triệu USD, bao gồm cả những thiết bị chuyên biệt sử dụng trong việc phòng thủ đất nước, cho Ukraine, nâng tổng giá trị (thiết bị) lên gần 750 triệu USD trong vài năm qua”, ông Mattis cho biết thêm.

Quân đội Ukraine.

Giáo sư chuyên nghiên cứu hòa bình Nicolai Petro của Đại học Rhode Island nói việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới tương quan lực lượng ở miền Đông Ukraine, nhưng có thể khuyến khích chế độ Kiev có những hành động vô trách nhiệm gây nguy hại cho an ninh toàn cầu, theo tin tức trên báo Kiến Thức.

Giáo sư Petro giải thích: "Tác động chính của việc cung cấp vũ khí Mỹ sẽ là yếu tố tâm lý. Đảng chủ chiến ở Ukraine sẽ coi đây là việc ‘bật đèn xanh’ để phát động cái mà họ gọi là ‘giải pháp Croatia’ và một cuộc tấn công tổng lực để tái chiếm khu vực Donbass chỉ còn được tính bằng ngày”.

Tuy nhiên, giáo sư Nicolai Petro dự đoán, bất kỳ hành động mạnh nào của chế độ Poroshenko chắc chắn sẽ khiến cho các nhóm ly khai áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Ông nói: "Đón trước các hành động của chính phủ Poroshenko, quân nổi dậy (ở miền Đông Ukraine) có thể sẽ đánh đòn phủ đầu”.

Sau đó, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ leo thang và sẽ buộc các lực lượng thường trực của Nga can dự để duy trì an ninh khu vực.

Ông Petro cảnh báo: "Quân đội Nga có thể…can thiệp, nếu thấy cần thiết. Toàn bộ tình hình có thể nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát".

 

Các loại vũ khí đang được thảo luận thực ra không mấy quan trọng vì chúng đã được nhiều quốc gia thành viên NATO cung cấp cho Ukraine trong hai năm qua. Giáo sư Petro nói tiếp: "Như lời đại sứ Mỹ tại Kiev – ông Valery Chalyi, Ukraine đã nhận được vũ khí sát thương của gần một chục nước phương Tây, từ năm 2015".

Giáo sư Petro nhận xét rằng kết quả trực tiếp và động cơ có thể của Washington trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ là làm sụp đổ Hiệp ước Hòa bình Mińsk mà Nga đang cố gắng thực hiện và Mỹ cũng cam kết ủng hộ. Ông nói thêm: "Sự sụp đổ của Hiệp ước Minsk sau đó sẽ có liên hệ rõ ràng với sự kiện (cung cấp vũ khí sát thương) này”.

Theo lời giáo sư Francis Buckley của Trường Luật George Lawson, bất kỳ động thái nào của chính phủ Mỹ cung cấp cho Ukraina vũ khí sát thương đều là vô trách nhiệm và thiếu khôn ngoan.

Giáo sư Buckley cho rằng những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Kiev cũng có thể được thúc đẩy bởi mong muốn trấn an các quốc gia Baltic nhỏ bé (Lithuania, Latvia và Estonia) – những nước đều muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO trong lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, theo giáo sư Buckley, trên cương vị siêu cường toàn cầu, Mỹ không nên để cho các quốc gia nhỏ bé gây ảnh hưởng quá mức, áp đặt các chính sách với những hậu quả to lớn về an ninh quốc gia.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Đất Việt, Kiến Thức)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo