Quốc tế

Mỹ dựa nhiều hơn vào quân sự để ngăn cản Trung Quốc ở Biển Đông?

(DNVN) - Trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ việc lực lượng Hoa Kỳ và Philippines đã quyết định cùng tuần tra trên Biển Đông bằng các chiến dịch trên biển và sẽ tiếp nối ngay với các chiến dịch trên không.

Quyết định trên đây nằm trong một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines và với Ấn Độ mà Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thúc đẩy trong vòng công du lần này của ông. Sau đó, ông còn cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đi thị sát hàng không mẫu hạm Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông.

Theo New York Times, tất cả những hành động và tuyên bố của Bộ trưởng Quốc Phòng trong chuyến công du Ấn Độ và Philippines lần này đều là những tín hiệu cho thấy là chính quyền Obama đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Philippines Gazmin trên hàng không mẫu hạm Mỹ Stennis đang hoạt động trên Biển Đông. 

Tuy nhiên, The New York Times cho rằng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn được phô trương nhân vòng công du lần này của ông Carter không phải là không hàm chứa rủi ro.

Một mặt, đó sẽ là thông điệp cho biết là Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhưng một mặt khác, phản ứng cứng rắn hơn đó sẽ góp phần làm gia tăng mối lo ngại trong giới lãnh đạo Bắc Kinh về những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tại Philippines và Ấn Độ, ông Carter đã cho thấy rõ ràng Mỹ đã quyết tâm củng cố các liên minh quân sự, đồng thời đưa thêm vũ khí và quân đội đến khu vực để chống lại tầm kiểm soát quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong suốt chuyến đi, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã liên tục nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 15/4 vừa qua, bộ trưởng Carter đã dùng trực thăng bay ra thăm một biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên Thái Bình Dương - tàu sân bay hạt nhân John C. Stennis thuộc lớp Nimitz, hiện đang đi qua Biển Đông, gần vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Trước đó, ông đã đánh dấu sự kết thúc 11 ngày tập trận hỗn hợp Mỹ - Philippines bằng tiết lộ theo đó một số binh lính Mỹ sẽ ở Philippines “để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”.

 

Ông cũng cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông với hải quân Philippines và sẽ sớm cùng tiến hành các chiến dịch tương tự với lực lượng không quân của đồng minh.

Trước đó tại Ấn Độ, ông Ashton Carter cũng đã lên thăm một hàng không mẫu hạm Ấn Độ, trong một động thái cũng đầy tính chất biểu tượng vì đó là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có hành động như vậy.

Ông Carter đã thông báo việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp tàu sân bay, và cho biết là hai bên đã đạt được thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và cùng hợp tác trong lãnh vực công nghệ quân sự.

Nhân vòng công du, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng chính các hành động của Trung Quốc là động lực chủ yếu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hàm ý rằng đó là nguyên do thúc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng hợp tác nhiều hơn với Lầu Năm Góc.

Thế nhưng ông Carter luôn cho rằng Trung Quốc không nên coi sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một sự khiêu khích.

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể phản ứng trước các động thái của Lầu Năm Góc với những hành động hung hăng hơn, thách thức quyết định dấn thân của Mỹ vào khu vực trong một cuộc đọ sức xem ai lùi bước trước và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự.

Nên đọc
Thu Phương (Theo New York Times)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo