Quốc tế

Mỹ dừng chương trình huấn luyện cho phe đối lập ở Syria

(DNVN) - Chính quyền Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) sẽ ngừng chương trình huấn luyện trị giá 500 triệu USD cho phe đối lập ở Syria.

Theo RT, động thái này cho thấy Mỹ buộc phải thừa nhận đã thất bại trong việc tạo ra một lực lượng chiến đấu mới đủ sức tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Cơ-bi (John Kirby) ngày 9-10 tuyên bố, Mỹ sẽ tạm dừng việc huấn luyện phe đối lập. Trong thời gian đó, Mỹ tập trung cung cấp vũ khí cho phe đối lập để lực lượng này có thể tiêu diệt IS. “Chúng tôi tập trung hơn vào việc cung cấp trang thiết bị cho những nhóm đang ở Syria tỏ ra hiệu quả trong cuộc chiến chống IS”, ông Cơ-bi nói. “Đôi khi, bạn gặp phải khó khăn, thách thức và không biết sẽ phải làm gì. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng, chương trình này sẽ không bị trì hoãn vĩnh viễn”, ông Cơ-bi nhấn mạnh.

 Ảnh: AP

Nên đọc

Khi được hỏi tại sao chương trình này không hiệu quả, ông Cơ-bi “đá quả bóng” sang Bộ Quốc phòng. “Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là một câu hỏi rất hay mà các bạn nên hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ. Tôi cho rằng, họ đã rất thẳng thắn trong việc nêu ra những thách thức gặp phải trong việc tuyển mộ binh sĩ cho chương trình của mình”.

Cùng ngày, trong cuộc họp báo tại London, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng tuyên bố, Washington đã “tìm nhiều cách để cải thiện hiệu quả của chương trình huấn luyện”.

Theo ông Carter, ông “không mấy hài lòng về những nỗ lực ban đầu” của chương trình này và Washington đang tìm cách khác để “vẫn đạt được mụt tiêu chiến lược đã đề ra”.

“Tôi nghĩ các bạn đã được nghe Tổng thống Obama trình bày về những đề xuất mà ông vừa thông qua liên quan đến chương trình này và chúng tôi sẽ thực thi những đề xuất đó”, ông Carter nói.

Trong khi đó, một quan chức Lầu Năm Góc chia sẻ với tờ New York Times rằng, chương trình tuyển mộ binh sĩ phe đối lập ở Syria để huấn luyện tại Gioóc-đa-ni, Ca-ta, A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) sẽ chấm dứt hoàn toàn. Thay vào đó, Mỹ sẽ thiết lập một trung tâm huấn luyện nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các lãnh đạo phe đối lập được huấn luyện về kỹ năng tác chiến, như cách ra lệnh không kích.

 

Đến nay Mỹ mới huấn luyện được 60 chiến binh, trong khi mục tiêu ban đầu của chương trình trị giá 500 triệu USD là 5.400. Chính quyền Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma hồi tháng một hé lộ về chương trình huấn luyện, nhưng việc tuyển quân diễn ra chậm chạp vì quân nổi dậy phải trải qua cuộc kiểm tra gốc gác để loại bỏ những thành phần quá khích.

Nhà phân tích chính trị Đan Glây-dơ-brúc (Dan Glazebrook) cho rằng, chính vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi hiệu quả một tuần không kích của Nga còn lớn hơn nhiều so với nỗ lực của liên quân 62 quốc gia đã làm để chống IS trong suốt một năm qua. Một tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Mỹ cũng từng thừa nhận trước Quốc hội Mỹ tháng trước rằng, chỉ 4-5 chiến binh được Mỹ huấn luyện đủ khả năng chiến đấu trên chiến trường. Lời thừa nhận này khiến Thượng nghị sĩ Giép Xét-sân (Jeff Sessions) phải cay đắng thốt lên rằng “chương trình này đã thất bại hoàn toàn”. Chính người phát ngôn Nhà Trắng G.Ơn-nít (Josh Earnest) cũng tuyên bố, số lượng ít ỏi binh sĩ phe đối lập đủ khả năng chiến đấu sau khi được huấn luyện “rõ ràng đã đặt ra những hoài nghi về hiệu quả của chương trình huấn luyện kể cả trong trường hợp chương trình này được thay đổi".

Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích IS tại Syria, máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành 140 cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của IS, trong đó có các trung tâm chỉ huy và cơ sở huấn luyện. Đại sứ Syria tại Nga Ri-át Ha-đa (Riad Haddad) cho biết, khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS tại Syria đã bị phá hủy kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích tại Syria.

Trong bối cảnh trên, sự can thiệp quân sự của Nga vào Xy-ri đang thay đổi cục diện ván cờ ở Trung Đông, theo các nhà phân tích. Nhà phân tích địa chính trị Mỹ Ê.Đrết-xơ (Eric Draitser) cho rằng, “Nga hiện được coi là một thế lực mới ở Trung Đông có khả năng giải quyết các vấn đề ở khu vực, trong khi đó, Mỹ đang “rối như tơ vò” với chính ván cờ địa chính trị mà Mỹ bày ra”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, dù không muốn, nhưng Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận phần nào vai trò của Nga trong các chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria. Điều đó là có khả năng khi Mỹ và Nga đang chuẩn bị đàm phán về biện pháp giúp không quân hai bên tránh những sự cố trên không khi tiến hành các cuộc không kích riêng rẽ chống lại IS tại Syria.

 

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9-10, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Pi-tơ Cúc (Peter Cook) thông báo, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra hồi đáp chính thức về đề xuất của Oa-sinh-tơn liên quan đến việc bảo đảm an toàn bay cho các máy bay hai nước khi tham chiến tại Syria. Ông Cúc cho biết thêm cuộc đối thoại có thể diễn ra sớm nhất vào tuần này. Theo quan chức này, nội dung thảo luận tập trung vào những biện pháp an toàn cơ bản, trong đó có ngôn ngữ thông tin để trao đổi giữa lực lượng không quân hai nước và khoảng cách an toàn bay.
Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giăng Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker) vừa tuyên bố phương Tây cần đối xử đúng đắn và thương lượng với Nga một cách bình đẳng.

Trần Hoa
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo