Mỹ giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á
Diễn biến này được nhìn nhận ra sao sau khi hai cường quốc hàng đầu thế giới vừa trải qua bầu lại lãnh đạo?
Nhà Trắng loan báo ngày 20-11 Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda bên lề hội nghị Đông Á (EAS) tại Campuchia. Những cuộc gặp này sẽ diễn ra vào ngày cuối chuyến thăm Đông Nam Á của ông Obama được bắt đầu từ ngày 18-11 và sau đó ông đến Thái Lan, Myanmar.
Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên công du nhiều nước Đông Nam Á kể từ năm 1975 mà như ông tự nhận là “tổng thống Thái Bình Dương”. AFP mô tả ông Obama không chỉ có nguồn gốc Hawaii và những năm tháng thơ ấu ở Indonesia mà ông còn là người đang nỗ lực tập trung chính sách ngoại giao của mình vào khu vực rộng lớn và năng động này nhưng cũng là khu vực đang gây lo ngại ở nhiều quốc gia trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Giới chuyên gia đánh giá ba nước Đông Nam Á (Thái Lan, Myanmar, Campuchia) là “ba cậu bé rắc rối trong chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ”, bởi “mỗi quốc gia này đều vừa chơi với Mỹ vừa chơi với Trung Quốc”, như Micheal Green - phó chủ tịch phụ trách châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ - nhận định.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon, chuyến công du của ông Obama cho thấy Mỹ không chỉ muốn tái cân bằng mà đang thật sự tái cân bằng những nỗ lực của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ muốn hiểu thêm Bắc Kinh
Ngày 16-11, sau Úc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã đến Singapore trước khi đến Campuchia cùng dự EAS với Tổng thống Obama. Tại Singapore, bà Hillary Clinton đã gặp Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng K. Shanmugam và cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.
AFP dẫn nguồn tin một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ ngoại trưởng Mỹ muốn tìm hiểu thêm về những lãnh đạo mới của Trung Quốc. “Họ có mối quan hệ thân cận với Trung Quốc cho nên chúng tôi rất muốn nghe quan điểm của họ về việc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc hiện nay. Chúng tôi muốn thảo luận với họ về cách tiếp cận tốt nhất các vấn đề then chốt tại hội nghị EAS, trong đó có cả việc hợp tác ngoại giao về các vấn đề nhạy cảm như vấn đề biển Đông” - quan chức này cho biết.
Mỹ đang hiểu về Trung Quốc của ông Tập Cận Bình như thế nào? Báo Le Courrier International trong xã luận mở đầu cho chuyên đề “Trung Quốc - Mỹ: một thế giới mới” đã nhận định “làm ăn với nhau, chứ không gây chiến”. Báo này viết: “Cựu ngoại trưởng Colin Powell dưới thời tổng thống George W.Bush không tin có mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ. Là người ủng hộ ông Obama trong chiến dịch tranh cử, tướng về hưu này cho rằng Trung Quốc với Mỹ quá bận tâm đến việc bán hàng hóa của mình để có thể nuôi những mục tiêu hiếu chiến. Đó cũng là ý nghĩ của tổng thống Nixon có trong đầu khi đến thăm Bắc Kinh tháng 2-1972 để gặp Mao Trạch Đông. Một chuyến thăm đã làm thay đổi lịch sử thế giới với việc chấm dứt sự cô lập của Trung Quốc”.
Mỹ sẽ tăng tập trận ở Đông Nam Á
Cùng ngày, tại cuộc gặp với mười bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Siem Reap, Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã trình bày chiến lược xoay trục châu Á của Washington và việc Mỹ nối lại quan hệ với Myanmar.
Cuộc gặp này là điểm dừng chân cuối trong chuyến công du Đông Nam Á một tuần của ông Panetta để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát cả tình hình ở biển Đông và Hoa Đông - AFP dẫn lời ông Panetta khẳng định - Thông điệp của chúng tôi là sẽ kiên định với những gì chúng tôi đã nói trước đây, đó là chúng tôi không đứng về phía nào, chúng tôi muốn những tranh chấp này được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế nhưng chúng tôi buộc phải làm điều này”. Giám đốc Ủy ban An ninh phụ trách châu Á của Mỹ, ông Danny Russel, cũng khẳng định chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Washington không nhằm vào Trung Quốc mà muốn hướng đến “sự trỗi dậy hòa bình” của các nước trong khu vực.
Ông Panetta cho biết Mỹ sẽ tham gia ba cuộc tập trận quân sự tại Đông Nam Á trong năm tới với Brunei, Indonesia và Malaysia. Ông khẳng định chiến lược tại khu vực này là lâu dài, bao gồm các nỗ lực ngoại giao và kinh tế chứ không chỉ là hợp tác quân sự.
Về Myanmar, ông Panetta cũng cho biết Mỹ sẽ thảo luận các bước như nối lại liên hệ quân sự với nước này, dù với tốc độ thận trọng cũng như cân nhắc hợp tác trong các chương trình quân y, đào tạo và diễn tập cứu trợ. “Củng cố quan hệ an ninh Mỹ - Myanmar có một ý nghĩa lớn hơn bởi đó là một trong số ít những nước nằm trong chu vi mà Bắc Kinh gần như độc tôn trong các quan hệ ngoại giao, kinh tế, quân sự” - chuyên gia Andrew Scobell thuộc RAND Corporation tại Mỹ nhận định.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo