Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Biển Đông căng thẳng toàn diện
Ngày 9.6, Nghị sĩ Mỹ J.Randy Forbes đã trả lời tờ National Interest về những vấn đề của nước Mỹ trước căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc (TQ) và láng giềng. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung chính bài báo này.
Căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng với việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển Việt Nam (VN). Điều này đã được cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lên tiếng trong các chuyến thăm Châu Á mới đây. Câu hỏi đặt ra là, chính sách tái cân bằng của Mỹ về Châu Á có đáng tin cậy khi phải đối mặt với căng thẳng leo thang giữa TQ và láng giềng? Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc khủng hoảng toàn diện xảy ra giữa TQ và VN?
- "Tái cân bằng" là cách mà Mỹ gọi để chỉ rõ rằng, nước này ưu tiên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bằng những lợi ích và trách nhiệm của mình. Tôi không quan tâm lắm tới những khẩu hiệu hoặc cách thức chúng ta thực sự tái cân bằng như thế nào. Cái tôi quan tâm là cán cân quân sự thực tế giữa Mỹ và TQ. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ tự cho mình là một cường quốc trong khu vực Châu Á, đủ khả năng duy trì một trật tự dựa trên luật pháp, bằng cách ngăn chặn những hành vi gây rối hoặc làm giảm căng thẳng.
Nhưng trật tự này đang bị thách thức bởi quá trình hiện đại hóa quân sự của TQ và hành vi ngày càng hung hăng của nước này. Khủng hoảng trong khu vực chỉ xảy ra khi TQ có khả năng thay đổi cán cân quân sự, sử dụng các công cụ quân sự và phi quân sự, đồng thời dần dần gây nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.
Một số người cho rằng, những hành động hung hăng của TQ là phép thử với chính sách xoay trục của Mỹ, hoặc kết quả của việc đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines cảm thấy yên lòng hơn nhờ có Mỹ “chống lưng”. Các nước láng giềng của TQ, từ Nhật Bản, Philippines đến VN đang tìm kiếm một tín hiệu rõ ràng rằng, Mỹ quyết tâm duy trì nguyên trạng, nơi tự do hàng hải được tôn trọng, tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, và cán cân quân sự tiếp tục nghiêng về phía Mỹ và đồng minh. Nói về lợi ích an ninh của chúng ta trong khu vực, tôi tin rằng, việc ổn định cán cân quân sự nhằm duy trì lợi thế của Mỹ và đồng minh là nhiệm vụ trung tâm, trong tầm tay chúng ta có thể làm được.
Gần đây có một số ý kiến cho rằng, học thuyết "tác chiến không - biển" (Air-Sea Battle Concept - ASB) không đủ mạnh để ngăn cản chiến thuật "tằm ăn rỗi" (salami tactics) của TQ, sử dụng hỗ trợ phi hải quân để dần thay đổi nguyên trạng, ở những nơi như bãi cạn Scarborough hay nhiều quần đảo khác mà TQ tuyên bố chủ quyền. Mỹ sẽ làm gì trước những hành động của TQ nhằm củng cố chủ quyền đối với các đảo này?
- Trong hàng loạt cuộc điều trần mà Ủy ban Quân vụ Quốc hội tiến hành năm ngoái, chúng ta đều thấy rằng, thách thức mà TQ đặt ra hiện phức tạp hơn nhiều. Chúng ta đang trong một cuộc cạnh tranh thời bình, khi sức mạnh quân sự chỉ là một công cụ đang được sử dụng cùng với các sức mạnh khác về ngoại giao, pháp lý, kinh tế... Về mặt lý thuyết, tôi đồng ý rằng học thuyết "tác chiến không - biển" chưa được thực hiện đúng mức để kiềm chế TQ.
Mặc dù ủng hộ sáng kiến về học thuyết này, song tôi cho rằng Mỹ đang thiếu một chiến lược trong khu vực nhằm ngăn cản những hành vi ngày càng hung hăng của TQ. Từ bãi cạn Scarborough, tới vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, và giờ là quần đảo Hoàng Sa, tôi cho rằng TQ đang thách thức các nước láng giềng và cả Mỹ. Chúng ta cần một chiến lược để kiềm chế sự gây hấn của TQ. Về điểm này, tôi hài lòng với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La vừa qua rằng, Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work sẽ "giám sát việc thực hiện cam kết của Mỹ về sự hiện diện quân sự ở Châu Á - Thái Bình Dương".
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo