Quốc tế

Myanmar: Sập mỏ đá quý khiến gần 300 người thương vong

(DNVN) - Tính đến trưa 23/11, vụ lở đất nghiêm trọng xảy ra ở khu vực khai thác ngọc bích ở Myanmar khiến ít nhất 100 người chết và khoảng 200 người khác vẫn còn mất tích .

Thảm họa xảy ra vào khoảng 3h30 ngày 21/11 tại khu vực khai mỏ ngọc bích hẻo lánh ở Hpakant, bang Kachin,miền Bắc Myanmar, 100 người chết và khoảng 200 người khác vẫn còn mất tích.

Hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy cả một khu vực rộng lớn bị nhuộm một màu vàng chết chóc cùng hàng chục chiếc túi màu xanh chứa thi thể các nạn nhân. Không còn bất cứ dấu vết nào của sự sống ngoài những nhân viên cứu hộ đang ra sức đào bới.

Vào thời điểm xảy ra thảm nạn, phần lớn các nạn nhân đều đang say ngủ, nhiều người khác thì đang lợi dụng đêm tối để đào bới ngay dưới đống gạch đá để tìm ngọc vụn. Vì thế, hầu như không ai kịp trở tay.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm công nhân bị chôn vùi trong mỏ ngọc ở bang Kachin
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm công nhân bị chôn vùi trong mỏ ngọc ở bang Kachin

Nên đọc

Hãng tin Reuters cho biết số người chết được đưa ra từ hiện trường vụ lở đất đa phần là dân làng thuộc cộng đồng dân cư Hpakant. Họ đến mỏ đá này đào các loại ngọc bích để mưu sinh.

Lãnh đạo cộng đồng dân cư ở gần mỏ đá quí - ông Lamai Gum Ja cho biết những ngôi nhà ở xung quanh khu vực khai thác đã bị đè sập hoàn toàn trong lở đất, chôn vùi rất nhiều người.

Giới chức địa phương ước tính cho đến nay, có khoảng 100-200 người vẫn còn mất tích. Các đội tìm kiếm và cứu hộ đang đào bới khắp hiện trường khu mỏ để tìm kiếm người sống sót. Song, hi vọng rất mong manh.

"Chúng tôi nghe thấy một tiếng động lớn như tiếng sấm rồi thấy ngọn núi sập, đống đất đá đổ xuống", Ko Sai, một thợ mỏ ngủ tại khu trại gần đó, kể lại. "Mọi chuyện giống như cơn ác mộng".

Các công nhân, nhiều người đến từ khu vực khác ở Myanmar, phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện nguy hiểm với mức lương thấp để khai thác đá quý.

 

Được biết, Kachin được xem là nơi sản sinh ra loại ngọc bích chất lượng cao nhất thế giới, mang về hàng tỷ đô la một năm, nhưng cũng là một trong những khu vực nghèo nhất Myanmar.

Phần lớn ngọc khai thác ở Hpakant được cho là bị buôn lậu sang Trung Quốc, nơi chúng có giá bán cao. Theo các nhà nghiên cứu thuộc nhóm vì môi trường Global Witness, giá trị ngọc Myanmar sản xuất được trong năm 2014 ước tính khoảng 31 tỷ USD. Phần lớn chúng được chuyển sang Trung Quốc nhưng số liệu thương mại Trung Quốc chỉ ghi nhận doanh thu tại thị trường này là 12,3 tỷ USD.

Người dân địa phương cho biết, trong năm 2015, đã có ít nhất 5 vụ lở đất xảy ra tại Hpakant.

Hiện, công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục diễn ra.

An Nhi (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo