Thị trường

Năm 2013, có thể kiểm soát lạm phát dưới 8%

Mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, xây dựng nền tảng vững chắc hơn… phải xuyên suốt trong 10 năm tới.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 với tỷ lệ tán thành cao. Liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong Nghị quyết, phóng viên VOV phỏng vấn TS Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Thưa ông, một trong những mục tiêu kinh tế quan trọng nhất năm 2013 đặt ra là GDP ở mức 5%. Tăng trưởng như vậy có quá thấp không?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Mức độ tăng trưởng GDP năm 2013 khoảng 5,5% là hợp lý. Tiềm năng cơ bản của Việt Nam còn cao hơn, nhưng thực tế tính theo năm ảnh hưởng từ nhiều tác động, khả năng từ bên cung, bên cầu của nền kinh tế là hợp lý với điều kiện thực tế của năm 2013.

Năm 2013 được coi là năm bản lề của kế hoạch 5 năm. Nếu để mức tăng trưởng như vậy có tạo sức ép cho những năm tiếp theo, thưa ông?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Điều đó là không tránh khỏi, có phần hơi sớm nhưng có thể nói rằng mục tiêu 5 năm về tăng trưởng kinh tế có lẽ chúng ta khó đạt được. Nếu không đạt được thì cũng phải chấp nhận thực tế này, bởi bối cảnh kinh tế đã thay đổi và yếu tố nội tại của nền kinh tế có những khó khăn và chưa khắc phục được một sớm một chiều. Tôi cho rằng, cần nhận thức như vậy để kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng nền tảng vững hơn, để giải đoạn sau chúng ta phát triển cao hơn và bền vững hơn.

Nhưng nếu GDP thấp quá sẽ gây sức ép công ăn việc làm, thất nghiệp trong năm 2013 vô cùng lớn và thực tế điều này đã xảy ra trong năm 2013. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Chúng ta phải chấp nhận điều này. Bởi trong kinh tế và bất cứ lĩnh vực nào, chính sách luôn luôn có hai mặt. Mục tiêu đạt được cái này thì sẽ ảnh hưởng đến cái kia. Chúng ta muốn tăng trưởng nhanh giải quyết công ăn việc làm, nhưng khi vượt quá khả năng thì dẫn tới lạm phát, bất ổn vĩ mô. Nhưng nếu chúng ta giữ ổn định, kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng, công ăn việc làm. Chúng ta đang kiên định mục tiêu là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, xây dựng nền tảng vững chắc hơn, mục tiêu đó phải xuyên suốt trong 10 năm tới.

Theo Nghị quyết, chỉ số lạm phát năm 2013 là 8%. Mục tiêu này liệu có đạt được hay không, thưa ông?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Chúng ta đặt ra chỉ số lạm phát 8% là thận trọng để đảm bảo khả năng thực tế. Nhưng tôi nghĩ rằng, khả năng chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát dưới mức đó. Đó là sự cần thiết và cần phải cố gắng thực hiện thấp hơn nữa.

Theo ông, tái cơ cấu kinh tế cần tập trung thực hiện thế nào trong năm 2013?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng, cái cần tập trung nhiều nhất, trong Nghị quyết cũng đã nêu, là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bởi đó là mạch máu của nền kinh tế. Nếu không khơi thông được hệ thống mạch máu này thì chúng ta không tạo được sự ổn định, không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Và tín dụng năm 2012 tăng thấp là do yếu tố đó.

 

 

 

Chỉ số lạm phát 8% là thận trọng để đảm bảo khả năng thực tế. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 với hàng loạt giải pháp sẽ tác động thế nào tới tình hình kinh tế - xã hội năm 2013?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Nghị quyết Trung ương 6 đã đề ra một số nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai, cụ thể liên quan đến bất động sản, vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan tới đất đai…

Các chính sách đưa ra góp phần khắc phục tồn tại hiện nay đối với bất động sản và lĩnh vực xây dựng. Lĩnh vực xây dựng hiện chiếm tỷ trọng 10% GDP, cùng với 30% công nghiệp (hai lĩnh vực này chiếm tới 40% GDP). Trong 2 năm qua, lĩnh vực xây dựng tăng trưởng âm. Cho nên, thời gian tới, nếu muốn tăng trưởng, kinh tế phục hồi thì chúng ta phải quan tâm thúc đẩy lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt, thời gian qua lĩnh vực bất động sản bị đình trệ. Cùng với chính sách cắt giảm đầu tư công, chính sách tiền tệ chặt chẽ nên lĩnh vực xây dựng khó khăn kéo theo bất động sản khó khăn.

 

Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu công trình. Nếu thực hiện thì gói này có tác động thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Đây là một hướng đúng đắn, cần thiết. Điều đầu tiên và quan trọng là tăng trưởng GDP của chúng ta thấp, ảnh hưởng công ăn việc làm. Tổng cầu tiêu dùng, đầu tư đều thấp. Vì vậy, để thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho của DN thì phải tăng nhu cầu của nền kinh tế. Muốn tăng nhu cầu của nền kinh tế thì phải tăng đầu tư, mở rộng thêm các dự án. Cách giải quyết nhanh nhất, tốt nhất là chính sách tài khóa của chúng ta phải mở rộng một chút bằng cách phát hành trái phiếu công trình.

Phát hành trái phiếu công trình để đầu tư cho hạ tầng cơ sở chính là giải quyết khâu xây dựng và bất động sản như đã nói ở trên. Như vậy, phát hành trái phiếu công trình có ý nghĩa lớn góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, qua đó giải quyết hàng tồn kho. Hơn nữa nó tập trung vào xây dựng, bất động sản sẽ tháo gỡ điểm nghẽn nền kinh tế.

Một vấn đề “nóng” nữa là giải quyết nợ xấu. Theo ông, nên tập trung theo hướng nào?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, phải yêu cầu các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tập trung xử lý nợ xấu. Và chúng ta cần có giải pháp chung và kinh nghiệm của các nước là thành lập Công ty xử lý nợ.

Nói chung phải tập trung vào mục tiêu trong 2 – 3 năm tới đưa nợ xấu về dưới 3%.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Trần Việt (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo