Chứng khoán

Năm 2014: Cổ phiếu ngành nào sẽ bứt phá?

Cổ phiếu ngành nào giữ vị trí “quán quân” và vị trí này có thay đổi trong năm tới?

Cổ phiếu ngành nào giữ vị trí “quán quân” và vị trí này có thay đổi trong năm tới? … Cùng BizLIVE nhìn lại năm giao dịch 2013 cũng như nhận diện xu hướng thị trường chứng khoán năm 2014 qua phần đánh giá của ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phân Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS).

Ông có nhận định gì về diễn biến, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013? 

Ông Trần Minh Hoàng: Đến thời điểm hiện tại có thể thấy năm 2013 là một năm khá thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, VN-Index đã tăng hơn 22% còn HNX-Index cũng tăng khoảng 15% so với cuối năm 2012. Trong đó, thị trường có thể chia làm ba giai đoạn chính:

Trước hết là quá trình bứt phá tăng điểm mạnh của thị trường trong khoảng 6 tháng đầu năm nhờ tác động tích cực của các yếu tố: (1) kinh tế vĩ mô dần ổn định trong đó có việc kiềm chế lạm phát, (2) lãi suất huy động giảm mạnh, (3) thị trường đón nhận một số thông tin tích cực từ phía chính sách như: gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội trị giá 30 nghìn tỷ đồng và việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và (4) dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung phần lớn ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, trong những tháng đầu năm với với nhiều đánh giá quốc tế rằng Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn nhất khu vực Châu Á. 

Trái ngược với giai đoạn giao dịch sôi động này, thị trường bước vào quý 3 khá trầm lắng với xu hướng đi ngang tích lũy giữ phần chủ đạo do ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động xấu trên thế giới. 

Trong tháng 7 và 8, dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi thị trường rất mạnh khi thông tin về khả năng thu hẹp gói kích thích QE3 của Mỹ được lan truyền do (1) Mỹ công bố các số liệu tương đối khả quan về việc làm cũng như các chỉ tiêu kinh tế cao hơn mức kỳ vọng; (2) Mỹ xem xét kế hoạch triển khai cuộc tấn công quân sự vào Syria làm dấy lên lo ngại về giá cả hàng hóa, giá dầu thô và giá vàng sẽ tăng cao và (3) nền kinh tế Trung Quốc cho thấy một số tín hiệu đáng lo ngại, tiêu biểu như tăng trưởng tín dụng quá nóng và căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Sau đó từ khoảng cuối quý 3 cho đến nay, thị trường đã có sự khởi sắc trở lại. Dòng vốn nội và vốn ngoại đều đang có xu hướng quay trở lại thị trường. Bên cạnh việc nền kinh tế trong nước tiếp tục duy trì được sự ổn định cũng như cho thấy một số dấu hiệu phục hồi tốt hơn, thì những diễn biến tích cực hơn trên thế giới, đặc biệt từ phía nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cũng đã có tác động tích cực lên thị trường. 

Về phía Mỹ, FED đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì gói kích thích QE3 do những chỉ số kinh tế chưa đạt được mức kỳ vọng. Thêm vào đó, quyết định tạm hoãn thi hành cuộc tấn công quân sự vào Syria cũng đã góp phần giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài. 

Về phía Trung Quốc, nền kinh tế cho thấy nhiều biến chuyển tích cực trong các vấn đề nóng như bong bóng bất động sản, nợ xấu, tăng trưởng nóng,...khiến cho rủi ro về Trung Quốc đã được giảm bớt. 

Đáng chú ý là trong giai đoạn này, thay vì đẩy mạnh các blue-chips như nửa đầu năm, dòng tiền lại tỏ ra khá quan tâm đến nhóm cổ phiếu penny và midcap, đặc biệt là những cổ phiếu chưa tăng giá nhiều và không có tin xấu. Dòng vốn đổ vào thị trường tương đối mạnh, đặc biệt là dòng vốn nội, đồng thời cũng luân chuyển khá tốt giữa các nhóm cổ phiếu. 

Những ngành nào có mức tăng cao trong năm 2013 và theo ông ngành nào sẽ “hot” năm 2014?

Năm 2013, nền kinh tế đã cho thấy sự phục hồi nhất định nhưng tín hiệu thoát đáy là chưa thực sự rõ ràng, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn khá khó khăn trong bối cảnh cầu yếu.

Theo đó, giống như kỳ vọng của chúng tôi từ đầu năm, diễn biến trên thị trường trong năm 2013 cho thấy những ngành phòng thủ hoặc mang tính chất đặc thù là những ngành có diễn biến tốt nhất trong thời gian qua như ngành thực phẩm hàng tiêu dùng và dầu khí với mức tăng lần lượt 64% và 57%, mức tăng vượt trội so với mức tăng chỉ khoảng 20% của toàn thị trường.

Cũng phải lưu ý thêm rằng, trong năm 2013, với việc mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm khá mạnh, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc giảm chi phí lãi vay. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, ưu thế này nhiều khả năng sẽ không còn do mặt bằng lãi suất hiện tại đã ở mức khá thấp, tương đương với thời kỳ năm 2005-2006 và khó có dư địa để giảm thêm. 

Trong năm 2014, những ngành mang tính phòng thủ và mang tính chất đặc thù như ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng và dầu khí có thể sẽ vẫn có những diễn biến thuận lợi nhưng nhiều khả năng sẽ không còn quá nổi bật như trong năm 2013. Thay vào đó, những ngành gắn liền với sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, có thể sẽ ghi nhận sự bứt phá.

Phân tích của ông về dòng vốn ngoại cũng như hoạt động giao dịch của khối ngoại trong năm 2013? Xu hướng trong năm 2014?

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, góp sức cho thành công của thị trường chứng khoán trong năm 2013 không thể không kể đến dòng vốn ngoại. Tính đến hết tháng 11, khối ngoại đã mua ròng hơn 5.400 tỷ đồng trên hai sàn, tập trung khá nhiều tại các blue-chips, đặc biệt là các mã trong danh mục của hai ETFs lớn VNM và FTSE.

Những diễn biến tích cực này có được với hai nguyên nhân chủ yếu: (1) sự ổn định của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là lạm phát và tỷ giá, đi kèm với một số tín hiệu phục hồi dần và (2) nhiều nước trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế kéo theo dòng vốn đổ mạnh các thị trường biên và mới nổi, đặc biệt là trong giai đoạn nửa đầu năm 2013.

Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại. Điều này dựa trên các cơ sở chính như (1) nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định, tỷ giá mặc dù được dự báo có thể được điều chỉnh tăng nhưng sẽ không quá đột biến với biên độ kỳ vọng khoảng 2%-3%, (2) triển vọng tích cực thị trường cổ phiếu Việt Nam trong năm 2014 trong khi chỉ số P/E của thị trường đang ở mức thấp nhất trong khu vực và (3) tuy FED đã cho thấy động thái rút dần quy mô gói QE3 nhưng cam kết sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức kỷ lục, bên cạnh đó BOJ của Nhật Bản cam kết mở rộng trương trình nới lòng tiền tệ trị giá 60 nghìn tỷ yên lên 70 nghìn tỷ yên.

Có nhiều nhận định lạc quan về xu hướng thị trường chứng khoán trong năm 2014, ý kiến của ông thì sao? 

Trước hết, chúng tôi nhận định sức khỏe của nền kinh tế vẫn là yếu tố cơ bản hàng đầu tác động lên diễn biến của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. 

Với những gì đã đạt được trong năm 2013, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát cả năm được kiểm soát tốt ở mức 6,04% và GDP tăng 5,42%, tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định và ghi nhận sự phục hồi tốt hơn trong năm 2014, GDP kỳ vọng sẽ tăng 5,5%-5,7% trong khi CPI nhiều khả năng sẽ được duy trì quanh mức 7%. 

Trên cơ sở đó chúng tôi cũng nhận định lạc quan về xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán trong năm 2014 với đà tăng nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế.

Hơn thế nữa, bên cạnh các sự khởi sắc của nền kinh tế, một số thông tin quan trọng cũng nên được các nhà đầu tư lưu ý và kỳ vọng sẽ tạo ra những cú hích trên thị trường chứng khoán như việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài và những diễn biến tích cực trong đàm phán và tiến tới ký kết hiệp định TPP.

Ngoài ra, khi so sánh với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hoặc gửi tiết kiệm, chúng tôi cho rằng thị trường cổ phiếu là một kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền hơn trong năm 2014 trên cơ sở so sánh giữa rủi ro và triển vọng lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn Đàn Đầu Tư/BizLive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo