Năm 2015, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khá sôi động
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2015 khá sôi động, nhất là tháng cuối năm. Mạng lưới phân phối hàng hóa được tăng cường và mở rộng về số lượng và đa dạng về ngành nghề kinh doanh với hệ thống các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn… tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ động khai thác nguồn hàng, đồng thời tích cực nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu thụ về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Công tác quản lý và thực hiện chính sách về thị trường thương mại được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, thị trường giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, cùng với sản xuất tăng trưởng nhanh đã góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trong nước, kích thích tiêu dùng trong dân cư.
Theo thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2015 ước tính đạt 294,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bao gồm: Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng đạt 224,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm phương tiện đi lại tăng 5,6% và tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,4% và tăng 14,7%; hàng may mặc tăng 2,8% và tăng 12,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2,8% và tăng 12,2%; lương thực, thực phẩm tăng 2,3% và tăng 10,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 12/2015 đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành trong tháng đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục thống kê, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014).
Xét theo ngành kinh doanh, bán lẻ hàng hóa năm nay đạt 2469,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó một số ngành hàng tăng khá: Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15%; lương thực, thực phẩm tăng 14,8%; hàng may mặc tăng 13,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,4%; phương tiện đi lại tăng 10,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2015 ước tính đạt 372,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% và tăng 5,2% so với cùng kỳ, một số tỉnh, thành phố có doanh thu tăng khá: Thanh Hóa tăng 9,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,9%; Lạng Sơn tăng 5,4%; Hà Nội tăng 4,1%; Quảng Bình tăng 3,8%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 9,5%, trong đó doanh thu du lịch lữ hành của Thanh Hóa tăng 21,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,1%; Quảng Ninh tăng 11%; Hà Nội tăng 7,4%.
Doanh thu dịch vụ khác năm 2015 ước tính đạt 370,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 7%, trong đó một số địa phương có doanh thu dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ năm trước: thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,2%; Tiền Giang tăng 12,2%; Quảng Trị tăng 12%; Vĩnh Phúc tăng 10,9%; Hà Nội tăng 8,8%; Hưng Yên tăng 8,7%; Tuyên Quang tăng 7,4%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dược Lâm Đồng LDP liên tiếp bị xử phạt
Sức hút từ condotel và chung cư cao cấp
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh