Thị trường

Năm 2018 nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay

(DNVN) - Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, do Ngân hàng nhà nước (NHNN) chủ trì, gồm có các lãnh đạo ngân hàng như Agribank, VietinBank và Vietcombank đã cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó NHNN sẽ bám sát diễn biến vĩ mô, hoạt động của các tổ chức tín dụng để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Một số ngân hàng giảm lãi suất trong năm 2018.

Ba ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay trong năm 2018

Theo ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, năm 2018 Agribank sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bắt đầu từ ngày 10/1/2018, Agribank thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và đối với các các doanh nghiệp được xếp vào hạng A.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, để tạo điều kiện cho Agribank thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ thời gian tới, Nhà nước sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng bởi hiện giờ Agrribank vẫn là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, việc tăng vốn điều lệ của Agribank phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank, hiện nay, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên mà ViettinBank đã thực hiện giảm lãi suất chiếm tới 59% trong tổng dư nợ của ngân hàng. Mặc dù vậy, “trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị này VietinBank sẽ có chương trình giảm lãi suất hết sức cụ thể để thông báo cho DN và người dân được biết”, ông Thắng cam kết.

Cũng là ngân hàng nằm trong kế hoạch tăng vốn, ông Thắng cho biết, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2017, VietinBank đã kiến nghị Chính phủ về việc tăng vốn nhưng chưa được đáp ứng.

 

“Nếu như năm ngoái kiến nghị tăng vốn là cấp bách thì năm nay vô cùng cấp bách”, ông Thắng chia sẻ và giải thích: Nếu không tăng vốn thì ngay trong Quý I/2018 hệ số CAR của VietinBank sẽ dưới mức tối thiểu mà NHNN quy định và thông lệ quốc tế. Điều đó sẽ khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn cho tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế trong năm 2018.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ về việc đã từng trải qua 2 lần thực hiện giảm lãi suất trong năm 2017. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên sau năm 2017 đã giảm từ 0,7 - 1%/năm. Tại hội nghị này, ông Thành cho biết, cũng như hai ngân hàng trên, Vietcombank cam kết sau hội nghị sẽ tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động để giảm lãi suất 0,5%/năm cho 5 lĩnh vực ưu tiên đối với cho vay ngắn hạn. Hiện nay 5 lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank có dư nợ rất lớn, chiếm tỷ trọng 42% trong tổng dư nợ.

Đánh giá cụ thể về tình hình lãi suất năm 2017, NHNN cho biết, trong tháng 7/2017. Ngân hàng nhà nước đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5 -1 %/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Năm 2018, dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát diễn biến để có điều chỉnh phù hợp theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên.

 

Theo đánh giá của NHNN, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu chưa nhanh như kỳ vọng do vướng mắc về pháp lý. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, các khó khăn trên đã được giải quyết. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Vì thế, năm 2018, khối lượng công việc của ngành ngân hàng từ trung ương đến địa phương, các TCTD sẽ rất lớn.

Đề cập đến xu hướng lãi suất trong năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ chỉ đạo NHNN điều hành theo hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. "Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của ngành ngân hàng. Trong điều hành 2018, NHNN sẽ cân nhắc phối hợp đồng bộ công cụ điều hành về thời điểm, bối cảnh, bám sát diễn biến vĩ mô như tăng trưởng, thanh khoản hệ thống, tỷ giá, hoạt động của các TCTD để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, tiến tới phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc nói.

VpBank cũng giảm lãi suất trong năm 2018.

VPBank mở đầu cho việc giảm lãi suất thuộc nhóm ngân hàng tư nhân

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo sẽ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SME nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong năm 2018.

Theo đó, lãi suất dành cho các doanh nghiệp SME hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm từ 0,5% - 1%. Việc giảm lãi suất bắt đầu từ ngày 11/1/2018 cho tất cả các khách hàng mới hoạt động tốt trong những lĩnh vực được ưu tiên.

 

Quyết định giảm lãi suất của VPBank được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngân hàng xem xét khả năng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ tiếp cân nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 
Nên đọc

 

Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo