Năm 2020: Việt Nam sẽ có 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Theo đó, quy hoạch đưa ra mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.
Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.
Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu:
Thứ nhất, lĩnh vực linh kiện phụ tùng phát triển linh kiện phụ tùng kim loại: Linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm linh kiện phụ tùng chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, cung ứng được 80% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Thứ ba, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quy hoạch của Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp và chính sách phát triển.Cụ thể: Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tiếp tục phát triển khoa học công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ..
End of content
Không có tin nào tiếp theo