Năm giải pháp để cứu doanh nghiệp
Sau 7.611 doanh nghiệp "khai tử” năm 2011, ba tháng đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam lại tiếp tục ghi nhận thêm gần 12.000 trường hợp doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào để các doanh nghiệp trong nước thoát được làn sóng phá sản hàng loạt trong thời gian tới? PV đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Khi phá sản thành phổ biến, cần xem lại môi trường kinh doanh và đầu tư
Thưa ông, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý I năm 2012 đã có gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Phải nói rõ là số doanh nghiệp phá sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân theo tôi thì có nhiều, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do chi phí đầu vào tăng quá nhanh, đặc biệt là lãi suất. Giá cả tăng nhanh làm cho chi phí tăng, giá thành sản phẩm tăng theo, dẫn đến sức mua giảm, kéo theo tồn kho tăng.
Tồn kho tăng lên làm cho nhiều doanh nghiệp đã yếu sẽ càng yếu hơn còn doanh nghiệp bình thường cũng có nguy cơ trở nên suy yếu. Sản xuất co lại, công nhân bị sa thải hàng loạt, yếu tố đầu tư thêm hầu như không có... nên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bị co lại nhanh và đình trệ nhiều, thậm chí phá sản là điều tất yếu.
Trong tự nhiên, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt thì người ta nghĩ ngay đến môi trường sống của cá có thể đã bị ô nhiễm. Việc hàng loạt các doanh nghiệp giải thể thời gian qua cũng gợi ý về phía điều hành vĩ mô phải xem lại môi trường kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp ?
Chắc chắn là vậy. Phá sản, giải thể doanh nghiệp là việc bình thường của nền kinh tế thị trường. Nếu ở mức hợp lý thì chúng ta phải chấp nhận việc đào thải những doanh nghiệp không thể đáp ứng, tạo nên một đội ngũ doanh nghiệp chất lượng hơn, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhưng khi phá sản thành phổ biến hoặc đang ở mức độ tăng nhanh đột biến thì chúng ta phải xem xét lại. Trong đó, đặc biệt là xem xét yếu tố về môi trường chính sách, cách điều hành, những vấn đề chỉ đạo và ý thức chấp hành, thực hiện chính sách... Đó là những yếu tố chủ quan, chúng ta có thể khắc phục được.
Đối với những yếu tố khách quan như thị trường quốc tế, giá nguyên liệu quốc tế, lạm phát trên thế giới... thì cần phải phân loại một cách cụ thể. Từ đó, tạo ra điều kiện, yếu tố để hỗ trợ doanh nghiệp, như hoàn chỉnh môi trường chính sách, xem xét lại cách điều hành, hệ thống thể chế, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thăm dò khai thác thị trường...
"Mỗi doanh nghiệp cũng phải có một giải pháp khác biệt để tự cứu mình”
Vay để lỗ thêm thì không ai vay
Thưa ông, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất huy động xuống 13% và đưa mức lãi suất cho vay xuống còn khoảng 17-18%/ năm. Nhưng điều kiện đi kèm lại không thay đổi nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Việc lãi suất hạ trong thời gian vừa qua là rất đáng mừng. Nhưng về mặt kinh tế thì mức hạ ấy chưa nhiều, vẫn còn cao với trạng thái và khả năng sinh lời của doanh nghiệp hiện nay.
Vì thế, lãi suất giảm chưa phải là yếu tố kinh tế tích cực ngay. Nó có tính chất động viên tinh thần, chứng minh đường lối, tạo lòng tin nhiều hơn. Từ đó tiếp tục tạo động lực để giảm lạm phát, lãi suất tiếp tục giảm theo.
Phải thấy rằng lãi suất giảm xuống trong điều kiện chúng ta vẫn đang thắt chặt tiền tệ. Mức độ tăng tín dụng năm nay chỉ được tối đa 15-17% mà lại phân bố không đều giữa các ngân hàng vì còn phụ thuộc vào tính thanh khoản của mỗi ngân hàng. Nên mức giảm ấy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa.
Ví dụ có những đơn vị cần vay vốn, nhưng với lãi suất cao người ta phải tính toán có nên vay hay không, bởi vay vào mà không trả được hoặc vay vào để lỗ thêm thì chắc chắn người ta không vay.
Ngược lại có những ngân hàng có nhiều vốn hoặc thừa vốn lại muốn chọn khách hàng. Với các khách hàng biết là cho vay mà không có khả năng trả nợ, không có khả năng bảo toàn vốn vay thì chắc chắn ngân hàng cũng không cho vay.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian dài bị khó khăn cộng lại, có nợ quá hạn, nợ thuế, rồi khả năng làm dự án, tài sản thế chấp không còn nữa nên không đủ điều kiện để vay.
Ngoài ra, chúng ta mới triển khai việc hạ lãi suất nên việc xác định đối tượng cho vay chưa thể làm nhanh được, cần một thời gian nữa. Đó là những lý do mà vì sao tuy đã có chủ trương, chính sách rồi nhưng vẫn làm chậm, vay chậm.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5 – 6% không dễ đạt được
Như vậy, thưa ông, có thể thấy mục tiêu điều chỉnh chính sách tiền tệ hiện nay vẫn chưa "giải cứu” được doanh nghiệp. Còn về tình hình lạm phát nếu đã có thể lạc quan thì với việc đình đốn sản xuất như hiện nay, giảm phát lại đang là điều đáng lo ngại?
Đến giờ phút này có thể nói chúng ta đã kiềm chế lạm phát thành công. Mục tiêu lạm phát dưới 2 con số, khoảng 9-10% trong năm nay có khả năng thành hiện thực. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tăng trưởng. Trong quý I, GDP tăng trưởng chỉ đạt 4%, là mức thấp trong nhiều năm gần đây.
Từ nay đến cuối năm còn 8 tháng nữa. Mục tiêu tăng trưởng 5,5 – 6 % là rất khó vì hiện nay đang có những vấn đề tác động rất mạnh, ví dụ như nhập siêu. Mọi năm chúng ta nhập siêu khoảng 3-4 tỷ một quý nhưng năm nay chúng ta chỉ nhập siêu chưa đến 300 triệu.
Điều đó cho thấy chúng ta đã quản lý được phần nhập tốt hơn nhưng cũng chứng tỏ sản xuất đang bị co lại. Tình hình nhập vật tư, nguyên liệu, thiết bị giảm mạnh. Khi nhập khẩu mà ít như thế là có vấn đề của sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Hàng loạt xí nghiệp đóng cửa và con số này ngày càng có xu hướng tăng lên. Sức mua giảm, hàng hóa tồn kho tăng lên khiến hiệu quả sinh lời của các doanh nghiệp cũng giảm.
Nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội, môi trường quốc tế... là những dấu hiệu khiến cho vấn đề tăng trưởng GDP năm nay để đạt được mục tiêu 6% cũng không phải là dễ nếu chúng ta không chỉ đạo quyết liệt, không tập trung tháo gỡ một cách có hiệu quả cho sản xuất cho kinh doanh.
Giải pháp khác biệt cho mỗi doanh nghiệp
Là một chuyên gia kinh tế theo ông điều cần làm bây giờ là gì để thực sự "giải cứu” doanh nghiệp?
Để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển, theo tình hình hiện nay thì cần tập trung giải quyết năm vấn đề lớn.
Thứ nhất là lãi suất. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì số vay ngân hàng là chủ yếu, kể cả ngắn hạn và dài hạn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lãi được 10-15% nhưng vay ngân hàng với mức lãi suất 17-18% thì chắc chắn là phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất.
Thứ hai là phải giải quyết khâu đầu vào và những yếu tố để tăng sức mua, giảm lượng tồn kho.
Thứ ba là vấn đề chính sách, trong đó có các chính sách tạo môi trường đầu tư, chính sách để đảm bảo chi phí giá thành mà tập trung vào phí - thuế - lãi. Làm thế nào để ít phí nhất, lãi hợp lý. Riêng thuế trong thời điểm khó khăn này nếu giãn, hoãn được thậm chí miễn thuế thì càng tốt.
Thứ tư là chúng ta phải có sự phối hợp giữa các chính sách một cách đồng bộ; kể cả những hỗ trợ về chính sách, tiền vốn, lãi suất, giảm thuế... cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng để giúp doanh nghiệp có nhiều kênh để thoát.
Thứ năm là vấn đề thủ tục hành chính làm sao để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn, nắm bắt được thời cơ, chớp được những yếu tố trong diễn biến thị trường cũng như chính sách mới để họ có thể biến khó khăn thành thuận lợi, biến thách thức thành thời cơ.
Đó là các giải pháp căn cơ, mang tính tình thế trước mắt để giải quyết các vấn đề bức xúc. Song song với đó, chúng ta phải làm nhanh và có hiệu quả một số biện pháp có tính chất nền tảng, lâu dài.
Nhà nước cũng đã có những chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế, hoàn chỉnh hệ thống thể chế, nâng cao chất lượng nguồn lực, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng...
Điều quan trọng là việc triển khai thực hiện chúng ta phải làm ngay từ bây giờ để tạo điều kiện cho những giải pháp tình thế phát huy trước mắt, đồng thời tạo nền tảng để đảm bảo tốc độ phát triển ổn định, bền vững hơn, không quay lại khó khăn theo chu kỳ như trước.
Về phía doanh nghiệp, phải nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề tồn tại của chính mình, đặc biệt là tồn tại do chủ quan, do yếu kém, do sự làm ăn không chỉn chu, quản lý không tốt.
Ứng với mỗi tồn tại ấy, mỗi doanh nghiệp phải có giải pháp khác biệt để khắc phục. Chỉ khi phát huy tốt được nhân tố cốt lõi, tích cực và khắc phục nhanh chóng những tồn tại thì mới tạo ra môi trường mới, yếu tố mới để doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững, lành mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo