Năm Ngựa, phi đại sẽ hại tiền
Không a dua, đua sóng
Giao dịch tại các DN buôn bán vàng lớn tại Hà Nội thời gian gần đây tiếp tục trầm lắng. Lâu rồi người đi đường không thấy hình ảnh xếp hàng rồng rắn, tràn ra lòng đường, tranh nhau nhận giấy hẹn mua vàng như đợt sốt các năm trước đó mỗi khi vàng thế giới biến động lên xuống mạnh.
Trên thị trường BĐS, rõ nét nhất là giờ đây, việc mua bán nhà đất, BĐS dễ dàng hơn bao giờ hết. Các dự án bán sản phẩm BĐS tràn lan ở hè phố, trên điện thoại, trong email của từng cá nhân, thay vì phải “quan hệ” xin xỏ hoặc/và bỏ thêm tiền để được có quyền mua căn hộ ở những dự án chưa biết nằm ở đâu, bao giờ mới giao nhà.
Hiện tượng DN rầm rộ “bung hàng”, từ bình dân cho tới cao cấp, từ căn hộ cho tới nhà đất nghỉ dưỡng được cho là bởi các đơn vị muốn tận dụng cơ hội cuối năm khi mà nhu cầu mua nhà đất thông thường tăng mạnh.
Nhiều báo cáo, đánh giá từ DN cho tới các lãnh đạo nhiều bộ ban ngành đều cho rằng thị trường đang ấm lên, giá BĐS đã giảm mạnh “xuống bằng năm 2006”, tồn kho cũng giảm. Tuy nhiên, giao dịch thành công thực sự ở mức nào, nhiều hay ít, bán được cho khách hàng hay chỉ chuyển qua cho đại lý, cho các thực thể khác để làm đẹp sổ sách có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới nắm được.
Những ngày đầu năm mới, thị trường USD cũng diễn biến khá lạ. Các ngân hàng giảm mạnh giá mua USD xuống chỉ còn 21.070-21.110, thấp hơn nhiều so với giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (21.100 đồng) cho dù dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng mạnh 2 năm gần đây, lên mức khoảng 30-32 tỷ USD.
Diễn biến này có lẽ không quá ngạc nhiên bởi kể từ nửa sau tháng 10/2013 tới nay, NHNN vẫn duy trì mua vào ngoại tệ khá đều và tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng liên tục nằm dưới mức mua vào của Sở Giao dịch NHNN. Bên cạnh đó, những cam kết ổn định tỷ giá đã được thực thi khá mạnh trong 2 năm qua.
Tiền sẽ chảy vào đâu?
Lịch sử biến động trong nhiều năm trước đây cho thấy, tỷ giá thông thường tăng lên vào thời điểm trước Tết bởi người dân có xu hướng đầu tư ngoại tệ, lo ngại giá cả leo thang sau Tết, đồng VND giảm giá trị.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm qua, đang có dấu hiệu cho thấy xu hướng đầu tư ngoại tệ đang yếu đi. Tỷ giá ổn định đã khiến lợi ích thu được từ việc đầu tư vào kênh này không hấp dẫn. Với năm 2014, việc tỷ giá được dự báo biến động thấp, khoảng 1-2% có thể cũng phần nào khiến các ngân hàng không mặn mà mua vào, còn các DN dễ dàng quyết định bán ra lấy tiền Việt cho nhu cầu chi trả lương thưởng cuối năm.
TTCK và gửi tiết kiệm ngân hàng được khá nhiều chuyên gia đánh giá là kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2014.
Trong tuần 6-10/1/2014, TTCK chứng kiến cả 5 phiên tăng điểm. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 518,94 điểm, tăng 2,69% so với cuối tuần trước. Khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng trên 20%, hàng loạt các nhóm cổ phiếu lại đang lần lượt thay nhau tăng giá, từ nhóm công ty chứng khoán (CTCK) với những dự báo tốt về thị trường chứng khoán cho tới nhóm ngân hàng sau quyết định nâng room cho khối ngoại...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các CTCK, nền kinh tế tiếp tục phát ra những tín hiệu phục hồi và nếu đúng vậy, theo như lý thuyết, TTCK sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất bởi đây luôn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, sự sôi động của TTCK đầu năm nay khá khiêm tốn so với cùng thời điểm này năm ngoái. Đà tăng của thị trường đang có xu hướng giảm dần và áp lực chốt lời luôn thường trực mỗi khi thị trường tăng điểm mạnh.
Kênh đầu tư “gửi tiết kiệm ngân hàng” được đánh giá là một lựa chọn an toàn và có lời. So với trước đây khi mà lãi suất ngân hàng có lúc lên đến trên 20%, lãi suất tiền gửi hiện nay không còn hấp dẫn, tối đa dưới 9% đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, mức lạm phát 6,04% trong năm 2013 và dự báo 7% trong năm 2014 vẫn là một cơ sở để nhiều người lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng, để hưởng lãi thay vì nắm giữ tiền đồng để mất một khoản tương ứng theo lạm phát hoặc chịu nhiều rủi ro thua lỗ khi đầu tư vào vàng hay BĐS.
Không những thế, khá nhiều ngân hàng đang áp dụng những chương trình khuyến mại thu hút người gửi tiền, tăng lợi ích cho người gửi tiền để đảm bảo thanh khoản cũng như có điều kiện thực hiện các yêu cầu của tái cấu trúc.
Thị trường luôn biến động theo sự vận động của dòng tiền, rất khó có thể đoán định được các thị trường cho cả năm. Tuy nhiên, với những diễn biến đầu năm có thể thấy, dòng tiền đang hướng tới 2 trong 5 kênh đầu tư truyền thống là chứng khoán và tiết kiệm ngân hàng.
Giới đầu tư tỏ ra khá thờ ơ với USD và vàng. Còn với BĐS, nhu cầu sở hữu nhà đất căn hộ chắc chắn còn lớn. Tuy nhiên, khả năng chi trả so với giá thành của các sản phẩm BĐS có lẽ vẫn là vấn đề. Bài học nợ xấu của các ngân hàng có lẽ còn ảnh hưởng tới thị trường này.
Với chứng khoán, sự hồi phục có vững chắc hay không lại phụ thuộc vào hoạt động của các DN niêm yết. Giá cổ phiếu thấp cùng với sự phục hồi của nhiều DN sau tái cơ cấu có thể hấp dẫn giới đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng một bộ phận không nhỏ các DN vẫn đang chìm ngập trong khó khăn, thua lỗ vẫn triền miên, nợ vẫn chưa được giải quyết... có thể ảnh hưởng tới sự hồi phục chung của TTCK.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng