Nằm ngửa trước vành móng ngựa, chuyện chỉ có ở Việt Nam
Bị cáo nằm ngửa đắp mền trước vành móng ngựa. Chuyện thật mà như phim hài này này chắc chỉ có ở pháp đình nước ta, xảy ra ở huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận).
Bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi) , người đàn bà cùng với đàn dê trong 9 năm đã "đi qua" pháp đình 14 lần. Với 14 lần xử, phiên tòa đi đến đỉnh điểm sự phản cảm và làm mất đi tính uy nghiêm chốn công đường khi khiêng bị cáo Nguyệt ngất xỉu cho nằm tênh hênh trước vành móng ngựa.
Vụ án xảy ra tháng 5/2005, đến nay mới tạm khép lại ở cấp sơ thẩm. Lần mở tòa thứ 14 đã có kết quả là bản án 2 năm tù dành cho bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt vào chiều qua, 15/1, nhưng vẫn chưa biết đàn dê đi đâu, về đâu?. Nhiều người hài hước nói: "đàn dê tang vật" chắc đã vào các nồi lẩu từ kiếp nào.
Năm 2005, bà Nguyệt mua miếng đất nuôi bầy dê rồi rước cha dượng và mẹ của mình về ở. Cả đất và dê là 130 triệu đồng. Về sau, bà Nguyệt phát hiện cha dượng và mẹ bán đất cho bà Lê Thị Kim Y. Lo cho đàn dê, bà Nguyệt chuyển dê đi thì bị bắt vì tội trộm cắp tài sản.
Trong phiên xử hôm ngày 14/1, bị cáo Nguyệt nằm ngửa đắp mền trước vành móng ngựa. Bộ quần áo trên người bị cáo là của ba ngày trước không được thay, bị cáo này đã mặc nhiều ngày trước đó, tóc tai rũ rượi. Nhiều ngày liền, bị cáo Nguyệt chỉ ăn cháo và uống một hộp sữa. Nằm trên giường bố trước vành móng ngựa, bà Nguyệt bắt đầu hát nhảm, có biểu hiện không bình thường về thần kinh. Nhìn hình ảnh một người phụ nữ đắp mền tại công đường, trên là quan tòa trịnh trọng phân xử, ai cũng thấy như chuyện hài hước. Hình ảnh đó làm mất đi sự tôn nghiêm của pháp luật, uy quyền của cơ quan tư pháp. Hình ảnh này chắc chắn sẽ là một trong những tấm ảnh đi vào lịch sử ngành tố tụng Việt Nam.
Bị cáo Nguyệt nằm đắp mền ngủ là có nguyên do của nó. Trong các ngày xét xử trước đó, bị cáo Nguyệt bị bệnh, được bác sĩ điều trị tạm thời, sau đó cảnh sát đưa vào nằm ghế bố trước vành móng ngựa để tòa án xét xử.
Điều đáng nói ở đây là, một vụ án trộm dê mà để kéo dài gần 10 năm. Gần 10 năm với một con người vướng lao lí là quá sức chịu đựng. Giả sử chị Nguyệt trộm dê (trước khi trộm, chị tố cáo bị mất trộm, bị bán chui, đến nay chưa xác định được chính xác số dê chị trộm là của chính chị hay của ai) dẫn đến bị phạt hai năm tù giam, lĩnh án từ năm 2005. Nếu thế, chị cũng mãn tù đời nảo đời nào rồi, biết đâu chị cũng đã gây dựng đàn dê mới, trở thành người chăn nuôi giỏi và trở nên giàu có. Đằng này, đến thời điểm này, tức là gần 10 năm dính vào vụ án, bị cáo Nguyệt gần như trắng tay từ tình cảm gia đình cho đến tài sản. Thế thì những cán bộ của các cơ quan tố tụng từ điều tra, kiểm sát đến tòa án của huyện Bắc Bình có xứng đáng ngồi ở những chiếc ghế chấp pháp đó không?
Không riêng gì Bình Thuận. Án tồn đọng, kéo dài nhiều năm khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là vì cán bộ nghiệp vụ hạn chế, chưa kể đạo đức yếu kém. Thế nhưng những con người đó vẫn tại vị trên những chiếc ghế quan tòa để ban phát công lý.
Điều gì đọng lại sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm?.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo