Nan giải trái phiếu doanh nghiệp
Làm thế nào để trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh vốn bền vững cho doanh nghiệp, không phải nghe mãi điệp khúc “con gà, quả trứng”?
Theo cập nhật mới nhất từ bản tin Nghiên cứu thị trường của một ngân hàng thương mại Nhà nước thì tuần từ 12/11 - 16/11, để giảm bớt dư thừa vốn trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 10.058 tỷ đồng tín phiếu.
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Tổng kết hoạt động “bơm, hút” trong tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 7.442 tỷ đồng trong khi bơm vào chỉ trên 6.500 tỷ đồng, gồm: 3.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, 1.556 tỷ đồng qua OMO và trên 2.000 tỷ đồng từ kênh mua USD của các ngân hàng thương mại.
Đối với trái phiếu chính phủ, trong tuần, mặc dù lãi suất giảm mạnh (mất 15 điểm, còn 9,35%/năm kỳ hạn 2 năm và mất 30 điểm, còn 9,55%/năm kỳ hạn 3 năm) nhưng Kho bạc Nhà nước vẫn phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bên cạnh khối lượng trái phiếu chính phủ bảo lãnh trúng thầu 1.700 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành 1.200 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành 500 tỷ đồng.
Lẽ ra, đây là thời điểm căng vốn có tính chất mùa vụ nhưng vì tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ đạt khoảng 3,35% trong 10 tháng qua (nguồn Ngân hàng Nhà nước) khi thanh khoản dồi dào, chi phí vốn thấp, lạm phát giảm nên dòng vốn đã neo lại ở trái phiếu chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi Chính phủ phát hành bội thu thì ở kênh trái phiếu doanh nghiệp lại chứng kiến chuỗi ngày ảm đạm từ đầu năm đến nay. Tính đến hết quý 3/2012, chỉ có một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp thành công như: Hoàng Anh Gia Lai (850 tỷ đồng), trái phiếu chuyển đổi của Mía đường Lam Sơn, trái phiếu BIDV (2.000 tỷ đồng), DHBank (1.000 tỷ đồng). Hai tháng qua, không có thêm đợt phát hành nào.
Ngán ngẩm chuyện con gà quả trứng!
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội trái phiếu Việt Nam phân tích, trái phiếu doanh nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động tài chính doanh nghiệp. Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp có nhiều kỳ hạn khác nhau; nếu là vốn ngắn hạn, có thể vay ngân hàng nhưng dài hạn, ngoài vay ngân hàng thì phải tìm kiếm ở các công cụ tài chính dài hạn khác, mà trái phiếu công ty là điển hình.
Vốn dài hạn là để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc và được khấu hao dần trong nhiều năm, còn nếu dùng vốn ngắn hạn cho những hạng mục này, sẽ gặp nhiều rủi ro không những cho doanh nghiệp mà còn cả ngân hàng cấp vốn.
Nhiều năm nay, do thị trường tài chính Việt Nam còn sơ khai nên cơ cấu nguồn vốn tổ chức tín dụng hiện rất thiếu bền vững khi mà vốn ngắn hạn chiếm tới 70% cơ cấu kỳ hạn tổng nguồn. Đã có nhiều tổ chức tín dụng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng để bù đắp rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất, họ thường yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng thả nổi lãi suất.
Vì vậy, khi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn này để đầu tư dài hạn, họ luôn phải đối mặt với tình trạng mất kiểm soát phương án tài chính.
Từ thực tế này, trái phiếu doanh nghiệp là hình thức huy động vốn rất tốt của doanh nghiệp, đặc biệt với trường hợp cần sử dụng nguồn vốn ổn định và dài hạn trong đầu tư. Mặt khác, kênh huy động này còn gián tiếp giảm sức ép lên hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cung cấp những khoản vay trung dài hạn.
Nhờ đó, đã giúp ngân hàng hoạt động đúng bản chất của mình: cấp vốn lưu động và dịch vụ thương mại thay vì sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhằm khắc phục khoảng trống kỳ hạn giữa tài sản “Nợ” và tài sản “Có” để phòng tránh rủi ro.
Ba giải pháp gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều ưu thế là vậy, nhưng tại sao trái phiếu doanh nghiệp lại quá èo uột như lâu nay? Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Chính phủ phân tích: nếu như với tín dụng, ngân hàng luôn có quy trình kiểm tra nên biết rất rõ nguồn vốn của mình hiện ở đâu, sử dụng vào mục đích gì nên rủi ro được kiểm soát khá tốt.
Ngược lại, ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng do quy định về phát hành loại giấy tờ có giá này không có điều khoản nào cho phép người mua trái phiếu kiểm soát mục đích sử dụng vốn của người bán nên phát sinh nhiều rủi ro, khiến bên mua trái phiếu rất e ngại, nhất là trong tình hình hiện nay.
“Bởi vậy, giới kinh doanh trái phiếu luôn phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, không phải cứ lãi suất cao là họ sẵn sàng bỏ tiền ra”, ông Quỳnh cho biết.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, cầu trong và ngoài nước đều thấp, chi phí cao, năng lực cạnh tranh kém, tiêu thụ hàng hóa giảm, nguồn thu không có, ngân hàng không chắc đã thu được “gốc, rễ” thì việc phát hành trái phiếu là khó.
Để giải quyết bế tắc này, theo ông Quỳnh nên tập trung vào 3 giải pháp.
Thứ nhất, Chính phủ cần lựa chọn những lĩnh vực có nhiều lợi thế so sánh và sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng, tạo ra nền tảng cơ sở vững chắc, từ đó lôi kéo đầu tư tư nhân vào cuộc.
Thứ hai, ngoài việc xây dựng cơ cấu tài chính bền vững, hoạt động hiệu quả thì doanh nghiệp phải coi minh bạch thông tin như là điều kiện bắt buộc trong quá trình cạnh tranh thu hút nhà đầu tư tìm đến với trái phiếu của mình.
Thứ ba, một thực tế lâu nay là Chính phủ luôn kêu gọi thành viên phải tích cực mua bán để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng thanh khoản và phát triển nhưng bên mua lại đòi Chính phủ là phải phát triển khung pháp lý và hạ tầng, thông tin doanh nghiệp phải minh bạch thì họ mới mua. Đằng này, hạ tầng kém phát triển, không có tổ chức xếp hạng tín nhiệm, khung pháp lý không bảo vệ thành viên tham gia thị trường thì doanh nghiệp khó bán trái phiếu là điều dễ hiểu.
Như vậy, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và doanh nghiệp tự hút được vốn thì có lẽ, phải bắt đầu từ việc giải quyết câu chuyện “con gà, quả trứng”.
Đoàn Huế (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển