Nâng bước chân em – Dự án cung cấp miễn phí xe lăn cho người khuyết tật Việt Nam
Dự án “Nâng bước chân em” được khởi động từ 15/2/2017 đến nay đã bước đầu bước vào giai đoạn nhận hồ sơ cấp phát xe lăn và chế tạo mẫu. Theo anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch CLB Thanh niên khuyết tật Việt Nam là đơn vị thực hiện dự án, PV của Doanh Nghiệp Việt Nam được biết: “Dự án sẽ chế tạo ra những chiếc xe lăn chất lượng cao và phù hợp với người khuyết tật Việt Nam”. PV đã có cuộc phỏng vấn nhanh với anh Trịnh Công Thanh để hiểu rõ hơn về dự án này:
PV: Thưa anh theo thông tin giới thiệu về dự án chính thức trên website http://pwd.vn và trên fanpage của chương trình, thì dự án sẽ hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật Việt Nam, vậy anh có thể cho biết cụ thể đó là những dụng cụ gì?
Anh TCT: Cảm ơn câu hỏi của bạn, đúng là chúng tôi có tham vọng cung cấp miễn phí các dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật Việt Nam, nhưng trong giai đoạn đầu của dự án (2017 - 2020), chúng tôi tập trung vào việc hoàn thiện quy chuẩn và quy trình sản xuất và cấp phát xe lăn tay cho người khuyết tật Việt Nam. Các dụng cụ khác, nếu đơn giản thì chúng tôi cũng sẽ trực tiếp chế tạo và sản xuất, còn đối với chân, tay giả, nẹp chỉnh hình thì chúng tôi phải hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để cung cấp những bộ phận giả tốt nhất cho người khuyết tật.
PV: Như vậy là ngoài xe lăn tay, dự án còn hỗ trợ các chân tay giả và các dụng cụ chỉnh hình khác?
Anh TCT: Đúng vậy, những như đã nói ở trên, chúng tôi tập trung vào xe lăn tay, và một số dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng đơn giản. Còn chân, tay giả thì chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác để chế tạo và lắp đặt, việc hỗ trợ cho chân, tay giả là rất tốn ngân sách, nên chúng tôi sẽ xem xét rất chi tiết cho từng cá nhân về tính hiệu quả của việc sử dụng bộ phận giả và đóng góp của người khuyết tật đó cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
PV: Hàng năm chúng ta có rất nhiều cá nhân, tổ chức cấp phát xe lăn miễn phí cho người khuyết tật, vậy dự án của anh có điều gì đặc biệt?
Anh TCT: Hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng nói chung và xe lăn nói riêng cho người khuyết tật là truyền thống sẻ chia nhân ái của người Việt, thậm chí là sứ mệnh của một số tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật. Nhưng trên thực tế việc này chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng người khuyết tật vừa thừa mà lại vừa thiếu xe lăn, dẫn tới lãng phí nguồn lực và cơ hội được hòa nhập của người khuyết tật. Xe được cấp phát chưa quan tâm tới đặc thù khuyết tật của từng người, mà thường được sản xuất hàng loạt, chất lượng thấp và không phù hợp với người khuyết tật. Việc tặng xe lăn được triển khai rầm rộ nhưng hình thức, không quan tâm đến việc người khuyết tật có dùng được không? Không có sự chăm sóc định kỳ, bảo dưỡng hoặc cung cấp vật tư thay thế…
PV: Và điểm khác biệt của dự án “Nâng bước chân em” mà cụ thể là chương trình tặng xe lăn cho người khuyết tật?
Anh TCT: Vâng, muốn nhận xe lăn từ dự án của chúng tôi, người khuyết tật sẽ phải điền vào một mẫu đơn, trong đó có yêu cầu ghi rõ số đo của người khuyết tật, dựa trên số đo đó chúng tôi sẽ chế tác một chiếc xe phù hợp với các số đo của người khuyết tật, giúp họ cảm thấy vừa vặn và tiện nghi khi sử dụng.
PV: Oh rất hay anh Thanh, nhưng mỗi người có một số đo riêng? Vậy làm cách nào để có thể sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, cho từng cá nhân người khuyết tật?
Anh TCT: Cười, anh tinh ý đấy, nhưng như anh biết, quần áo chúng ta mặc cũng có những quy chuẩn về kích cỡ nhất định như S,M,L, XL… chúng tôi cũng sẽ quy định như vậy đối với xe lăn và đặt thêm các chốt tăng giảm kích thước xe, nên đảm bảo rằng nếu một người mà có kích thước đặc biệt thì vẫn có thể điều chỉnh được, và người khuyết tật khi nhận xe của dự án là chắc chắn sử dụng được, an toàn và sẽ cảm thấy thoải mái nhất.
PV: Em vẫn chưa thấy điểm khác biệt của dự án này?
Anh TCT: Anh thích cách đào sâu vấn đề của em, (cười) ngoài việc cung cấp chiếc xe lăn ban đầu cho người khuyết tật, dự án còn cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì và cung cấp vật tư thay thế cho xe lăn. Xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức các chương trình tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng và hỗ trợ người sử dụng xe lăn, cho sinh viên, cho nhân viên hàng không… và định nghĩa lại về xe lăn trong cộng đồng người khuyết tật cũng như trong cộng đồng những người làm quản lý, tài trợ về xe lăn Việt Nam. Không đơn giản chỉ là chương trình cấp phát xe lăn, mà chúng tôi đang làm cách mạng về xe lăn vậy.
PV: Điều gì đảm bảo xe lăn được sản xuất ra có chất lượng cao như tuyên bố của anh?
Anh TCT: Hiện tại chúng tôi đang hợp tác với các đồng chí của Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự; Xưởng cơ khí của người già và người khuyết tật Đồng Tâm, hay chuyên gia xe lăn Nguyễn Trung.
PV: Vậy anh nghĩ sao khi người khuyết tật xin xe lăn từ anh, rồi bán ra thị trường?
Anh TCT: Không có chuyện đó đâu, bởi chúng tôi không cấp phát đại trà, mà cung cấp cho những người có nhu cầu thực sự, chiếc xe lăn lại rất phù hợp với họ, không có lý gì mà họ đem bán đi đôi chân của mình. Hơn nữa bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, theo dõi, đánh giá và kết nối bằng công nghệ thông tin, nếu người khuyết tật bán đi chiếc xe của mình thì họ sẽ không nhận được sự hỗ trợ về sau. Và chúng tôi cũng sẽ từ chối cấp phát cũng như cung cấp dịch vụ cho họ trong những lần tiếp theo.
PV: Vậy người khuyết tật có phải trả chi phí nào để nhận xe lăn từ dự án, thưa anh?
Anh TCT: Không, hoàn toàn miễn phí, ngay trong mẫu đơn xin xe lăn, chúng tôi cũng ghi rõ, người khuyết tật cam kết không trả bất kỳ chi phí nào cho việc nhận xe lăn, từ việc đóng gói, vận chuyển, hay chi phí cho cá nhân, tổ chức giới thiệu hoặc cán bộ dự án.
PV: Vâng, thật tuyệt vời thưa anh, em xin hỏi câu cuối cùng, vậy làm cách nào để người khuyết tật có thể nhận được xe lăn từ dự án.
Anh TCT: Việc này rất đơn giản, người khuyết tật chỉ cần vào trang web http://pwd.vn để tải về mẫu đơn và gửi cho chúng tôi. Nhằm tăng cường hoạt động của các Hội người khuyết tật, chúng tôi khuyến khích các Hội đứng ra hướng dẫn làm đơn cho hội viên và gửi danh sách cho chúng tôi. Mọi thắc mắc, góp ý có thể liên hệ tổng đài 1900558846 hoặc gửi email cho cán bộ điều phối dự án của chúng tôi tại địa chỉ: nangbuocchanem@pwd.vn.
PV: Cảm ơn anh về cuộc truyện trò thù vị này, chúc dự án thành công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo