Tin tức - Sự kiện

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam

Dự thảo Hiến pháp lần này cần nâng cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều Điều cần sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tế phát triển hội nhập.
Đây là những kiến nghị của các đại biểu tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại tỉnh An Giang và Phú Yên trong ngày 28/2.
 
Tại An Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cùng Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân, Hội Cựu chiến binh, Công an, Quân sự tỉnh…. tổ chức lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Hiến pháp 1992.
 
Các ý kiến đánh giá dự thảo được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể, thấm nhuần tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 
 
Về Hội đồng Hiến pháp, dự thảo cần quy định thêm quyền cho cơ quan này trong việc độc lập ra các quyết định xử lý việc các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ra văn bản trái Hiến pháp, hơn là nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến; đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét văn bản vi hiến. 
 
Có ý kiến phân tích qua 42 năm công tác "kiểm sát chung" đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã phát hiện được hành vi vi phạm và tội phạm. Nhưng qua 10 năm bãi bỏ "kiểm sát chung," đã tạo ra khoảng trống, dẫn đến hoạt động của Viện kiểm sát trùng lắp chồng chéo với hoạt động giám sát của Quốc hội. Vì vậy kiến nghị, Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung lần này nên khôi phục "Công tác kiểm sát chung" để tiếp tục phát huy hiệu quả bảo vệ an ninh trật tự xã hội, quyền và lợi ích của nhân dân. 
 
Chiều cùng ngày, Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 
 
Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 tập trung đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và Hội liên hiệp Phụ nữ. Đa số các đại biểu tham gia Hội nghị đã thống nhất với số lượng chương, điều và sự ngắn gọn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
 
Bà Phạm Thị Tương Lai - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: “Tại khoản 2 Điều 38 “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luât” thì cần làm rõ phân biệt, đối xử về cái gì? 
 
Bà Phạm Thị Tương Lai cho rằng, nên bỏ khoản 1 Điều 116 “Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại điện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” vì hiện nay đang thực hiện bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã, phường,… 
 
Nhìn chung, các thành viên tham gia Hội nghị đã phát huy quyền làm chủ, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong sự kiện quan trọng của đất nước, đã tích cực thảo luận, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992./.
 
 
 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo