Thị trường

Năng lực yếu, hồ sơ vẫn đẹp

Đại diện tư vấn giám sát nước ngoài đã rất ngạc nhiên với thực trạng các nhà thầu bỏ thầu giá thấp, đến khi thi công bộc lộ yếu kém dẫn đến chậm tiến độ dự án. Bộ Giao thông Vận tải đang tìm nhiều biện pháp để sàng lọc nhà thầu yếu kém, bỏ thầu giá thấp rồi chờ dự án bị kéo dài để điều chỉnh giá thầu.

Ai bắt phải ký gói thầu giá thấp?

 

Ông Francisco Javier – tư vấn trưởng dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai - nói về thực trạng các nhà thầu phụ yếu kém dẫn đến chậm tiến độ công trình: “Nhiều nhà thầu phụ bộc lộ yếu kém có thể do nhà thầu chính ký giá thấp, rồi thuê họ làm với giá thấp hơn. Nhưng thực tế không ai bắt họ phải ký gói thầu với giá thấp mà không tính toán đến trượt giá. Đến khi tiến độ dự án chậm, rất khó xử lý các nhà thầu phụ”.

 

Cũng tại dự án này, chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc đã phải ba lần yêu cầu thay giám đốc dự án tại gói thầu A5 do một nhà thầu nước ngoài đảm nhận.

 

Ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC - bức xúc: “Nhà thầu không hề tập trung máy móc thiết bị, nhân lực theo yêu cầu của chủ đầu tư. Đến nay mới chỉ thực hiện được 5% khối lượng công việc sau 21 tháng thực hiện”. Ở một gói thầu khác, nhà thầu còn thuê đến 20 thầu phụ khiến gói thầu gần như bị “băm nhỏ” ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của dự án.

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề tồn tại nhiều năm nay tại các dự án xây dựng công trình giao thông: “Ý thức lười nhác của ban quản lý dự án đại diện cho chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng nhà thầu gửi hồ sơ, cứ quen bỏ thầu cho trúng rồi sau đó tìm cách điều chỉnh giá thầu”. Ông Francisco Javier cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao trên công trường nhà thầu phụ không đủ năng lực thi công nhưng hồ sơ ban đầu lại đạt yêu cầu?”. Đây là lỗ hổng cần được các cơ quan chức năng sớm hàn lại trong thời gian tới.

 

Quan trọng là cái tâm người lãnh đạo

 

 Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần tổ chức hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Nhiều ban quản lý dự án, nhà thầu khẳng định việc đạt được tiến độ và chất lượng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Thực tế cho thấy một số công trình giao thông đã có những chuyển biến nhất định, tiêu biểu là gói thầu số 3, dự án đường vành đai 3 Hà Nội và dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

 

Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chúc – nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long (nay là Tổng công ty xây dựng Thăng Long) khẳng định việc quản lý tiến độ thi công hoàn toàn có thể chủ động được. Việc xây dựng cầu Thăng Long trước đây, Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long cũng đã vượt tiến độ 235 ngày và chất lượng cây cầu này cũng đã được khẳng định.

 

Ông Chúc cho biết: “Trước đây chúng tôi thi công lấy tiến độ làm đầu. Khi đó có Nghị định 232 thưởng tăng lương 1% nếu vượt tiến độ nên mọi người ai cũng cố gắng. Tiến độ thi công là thương hiệu, phải làm được nhanh và tốt. Muốn được như vậy phải giám sát và quản lý thi công chặt chẽ. Quan trọng nhất là tâm người lãnh đạo”.

 

Được biết, đối với các dự án vốn tài trợ nước ngoài, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị nhà tài trợ có cơ chế giá sàn bỏ thầu, hạn chế bỏ thầu quá thấp dẫn đến triển khai thi công khó khăn, chậm tiến độ dự án. Đồng thời đang nghiên cứu phương án hằng năm công bố danh mục các nhà thầu, tư vấn đủ điều kiện tham gia xây dựng công trình giao thông.

 

Theo LĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo