Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng từ 1-7-2013
Có 444/462 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật này, chiếm 89,16% số đại biểu.
Theo báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như quy định của dự thảo luật là chưa hợp lý, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế, tác động đến nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước, không bảo đảm mục tiêu điều tiết thu nhập, không bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, đề nghị giữ mức giảm trừ gia cảnh hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn mức Chính phủ trình.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh có làm giảm thu ngân sách Nhà nước, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước hiện nay, cơ bản chỉ đủ bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên; chi trả nợ, tích lũy đầu tư còn thấp thì việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực bảo đảm chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật thuế thu nhập cá nhân là khó khăn. Đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của Luật. Mặt khác, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng. Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh như trên đã được giữ nguyên như dự thảo luật. Trong phiên biểu quyết sáng nay, có 427/456 đại biểu đã tán thành với khoản 4, Điều 1 của dự thảo luật về mức giảm trừ gia cảnh.
Cũng theo luật sửa đổi này, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Về thời điểm Luật có hiệu lực, đa số ý kiến nhất trí với quy định về thời điểm thi hành là 1-7-2013. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ 1-1-2013.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh khai thác nguồn thu còn khó khăn, nếu áp dụng Luật từ 1-1-2013 sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước thêm khoảng 6.000 tỷ đồng so với phương án áp dụng Luật từ 1-7-2013.
Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Trong trường hợp giảm thu thêm sẽ không có nguồn bù đắp. Vì vậy, quy định về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 được giữ nguyên.
Hồng Lĩnh (Theo Nhân Dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao