Nắng nóng gay gắt : Người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng vọt
Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu các Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Lão khoa quốc gia… quá tải bệnh nhân đến khám, điều trị.
Bệnh viện quá tải
Chưa đến 7 giờ sáng, cổng Bệnh viện Bạch Mai đã nườm nượp người ra kẻ vào. Phải rất vất vả, lực lượng bảo vệ mới dẹp được cảnh mất trật tự vì những tài xế taxi "cứng đầu". Len lỏi vào đến nhà xe, hàng chục chiếc xe máy nối đuôi nhau nhích lên từng centimet.
Bước vào khu đón tiếp bệnh nhân, có tới 10 cửa làm thủ tục, nhưng cả 10 cửa, bệnh nhân đều xếp hàng dài dằng dặc. Những cụ ông, cụ bà tay xách nách mang, những bà bầu mệt mỏi, gương mặt ai ai cũng đong đầy căng thẳng. Cho đến tận trưa, số người đến xếp hàng chờ đến lượt trước các phòng khám vẫn chưa hề giảm. Nắng nóng, oi bức, khủng khiếp… là những câu cửa miệng của nhiều bệnh nhân chờ khám bệnh.
Trong các hành lang, những chiếc quạt trần, quạt treo tường được bật hết công suất vẫn không xua tan nổi cái nóng hầm hập của thời tiết. "Nóng thế này thì cây cối còn chết héo, huống hồ con người", một bệnh nhân nói trong tiếng thở dài.
Theo Bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh, chỉ tính riêng người mắc bệnh mạch vành, suy tim, huyết áp trong những ngày nắng nóng này đã vượt quá 30% so với ngày thường, đặc biệt là bệnh mạch vành.
Tại Khoa Nhi, tình trạng xếp hàng chờ khám còn ái ngại hơn. Nhiều bé mệt mỏi, khóc gào làm các ông bố bà mẹ cũng chảy nước mắt.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời điểm này, trẻ chủ yếu bị sốt virus và mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, cảm cúm, viêm phổi, phế quản. Số bệnh nhi đến khám vào khoảng 250 - 300 trẻ, trẻ điều trị nội trú tăng từ 50 lên 100, thậm chí 120 bệnh nhi. Có phòng, có thời điểm bệnh nhi phải nằm ghép ba, bốn người/giường.
Tương tự, Khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nơi có mức độ bệnh nhi ổn định từ trước đến nay, bệnh nhi đến khám cũng bắt đầu tăng nhẹ từ cuối tháng 4 đến nay. Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa, bệnh nhân vào khám tăng khá cao và chủ yếu do tăng huyết áp, bệnh mạn tính…
Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp đón trên 2.000 trẻ, số trẻ phải nhập viện tăng hơn 30% so với các mùa khác. Trong những ngày qua, nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng viêm phổi vì nắng nóng và sức đề kháng yếu.
Đề phòng nắng nóng
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ nhập viện bắt đầu tăng từ đợt nắng nóng trước. Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ, có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều trẻ bị muỗi đốt, da nổi mẩn ngứa nhưng cha mẹ nhầm tưởng bệnh tay chân miệng nên vẫn đưa trẻ đi khám.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mọi người cần chủ động có biện pháp chống nắng nóng cho bản thân và những người trong gia đình, không nên đi ra ngoài đường lúc trời quá nóng; sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ khoa học, hợp lý (không nên để nhiệt độ quá lạnh hoặc sử dụng trong thời gian dài)...
Đối với trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu nên diễn biến của bệnh liên quan đến đường hô hấp diễn ra rất nhanh, có thể chuyển từ ho sốt sang viêm phổi chỉ trong một ngày. Vì thế nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, đúng cách khi trẻ có các biểu hiện bất thường, không tự điều trị cho trẻ.
Còn người già, do thời tiết quá nóng, nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ cơ thể, người già không thể thải nhiệt ra bên ngoài, khiến các hoạt động bị ứ trệ, dẫn đến phát bệnh. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong thời tiết nóng nực như hiện nay, mọi người, đặc biệt là người già nên uống đủ nước (1,5-2 lít), không nên uống nước có gas, có cồn.
Ngoài ra, cần chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Các hoạt động thể dục ngoài trời nên điều chỉnh thời gian hợp lý, sáng về sớm, chiều đi muộn để tránh những cú "sốc" về nhiệt độ.
Mới bắt đầu vào hè, dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng, số lượng người bệnh nhập viện còn cao, vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế chủ động sắp xếp cơ sở vật chất, cũng như phân công cán bộ trực hợp lý để tiếp đón, khám, điều trị và cấp cứu kịp thời, tránh để người bệnh phải chờ đợi lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe. |
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam